Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia của Qualcomm cho biết, Qualcomm đang xem xét đến khả năng hợp tác với...
Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia của Qualcomm cho biết, Qualcomm đang xem xét đến khả năng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để tạo ra thiết bị 3G giá rẻ khoảng 50 USD.
Ông Thiều Phương Nam - Tổng Giám đốc khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia của Qualcomm. |
Gần đây, hàng loạt thương hiệu Việt Nam chỉ hoạt động cầm chừng rồi đóng cửa. Có một thực tế là Việt Nam đang ở cạnh Trung Quốc - "Đại công xưởng của thế giới". Cá nhân tôi nghi ngờ về khả năng thành công của các doanh nghiệp Việt Nam khi sản xuất điện thoại cạnh tranh với Trung Quốc. Ông nghĩ gì về điều này, Việt Nam có ngách nào để đi và phát triển không?
Có thể nói những nhà sản xuất hàng đầu thế giới thường sản xuất thiết bị cao cấp và với đại đa số người dùng những thiết bị đó nằm ngoài khả năng kinh tế. Do đó, vẫn còn cơ hội thị trường cho nhà sản xuất trong nước. Họ có thể sản xuất thiết bị sở hữu tính năng phù hợp với người dùng và có mức giá phù hợp. Đây không phải thị trường ngách mà là một thị trường chính thống, đàng hoàng.
Việc Trung Quốc trưởng thành như ngày nay không phải điều xảy ra ngay lập tức mà cần có thời gian. Phải có những chính sách như: đặt nhà máy ở đâu, nguồn cung linh kiện đặt ở đâu, cơ chế quảng bá, cung ứng ra thế giới... Để đạt được thành công như ngày nay, chắc chắn các nhà sản xuất Trung Quốc cũng rất khó khăn song nhờ cơ chế chính sách và sự nỗ lực của chính doanh nghiệp, họ đã thu được kết quả cao. Còn ở thị trường Việt Nam, tôi đã thấy có những dấu hiệu khả quan, chẳng hạn Samsung và một số hãng công nghệ bắt đầu đặt nhà máy ở đây hay các công ty cung ứng linh kiện khác cũng đặt nhà kho ở Việt Nam. Như vậy, những yếu tố đó phải kết hợp được với nhau thì mới có thể tiếp cận thị trường được.
Tại Việt Nam, công nghệ 3G ra mắt từ cuối năm 2009, tới cuối năm 2012 đã có hơn 20 triệu người dùng. Nói về độ phủ thì đã có hơn 90% dân số Việt Nam được tiếp cận. Khi 3G được phổ cập, với sự hỗ trợ của nhà mạng và các gói dữ liệu phù hợp, số người có thể chấp nhận được chi phí 3G ngày càng nhiều. Cơ hội Qualcomm đang nhìn thấy là chuyển từ 2G sang 3G và đi cùng với nó là sự chuyển đổi từ feature phone (điện thoại phổ thông) sang smartphone (điện thoại thông minh) là quá trình chyển đổi rất lớn tại Việt Nam, tạo ra sân chơi, thị trường hoàn toàn mới. Thị trường smartphone sẽ lớn hơn rất nhiều, những nhà sản xuất điện thoại trong nước có lợi thế rất lớn nếu nhìn vào yếu tố nội dung ứng dụng trên smartphone.
Sự hỗ trợ của Qualcomm cho các nhà sản xuất nội địa của Việt Nam rất mạnh, không chỉ về khâu tiếp thị mà còn giúp FPT kiểm chuẩn điện thoại thông minh trên mạng Việt Nam cũng như kiểm tra chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, Qualcomm đóng vai trò quan trọng khi kết nối các nhà sản xuất smartphone trong nước với chuỗi cung ứng để có được sản phẩm với chi phí hợp lí nhất. Tầm nhìn của Qualcomm là “smartphone for everyone” - Tất cả người dân Việt Nam có cơ hội tiếp cận với smartphone và công nghệ 3G.
Viettel có tham vọng rất lớn trong sản xuất thiết bị di động, Qualcomm cũng có những hỗ trợ đặc biệt với Viettel. Vậy kết quả cho tới thời điểm này là gì, hai bên có đặt mục tiêu nào không, thưa ông?
Mối hợp tác giữa Qualcomm và Viettel rất lâu dài, trên nhiều phương diện khác nhau. Ví dụ, Qualcomm hỗ trợ trong vận hành mạng, tối ưu hóa mạng; xây dựng niềm đam mê khát vọng trong việc sản xuất thiết bị bằng thỏa thuận cụ thể như Viettel mua công nghệ của Qualcomm. Ngược lại, phía Viettel cũng có những năng lực nhất định mà Qualcomm cần có như khả năng nắm bắt và hiểu thị trường. Hợp tác giữa 2 bên rất tốt đẹp và sẽ tiếp tục trong tương lai.
Qualcomm đã theo sát quá trình phát triển 3G của Việt Nam và 3G Việt Nam cũng bắt đầu cất cánh. Vậy ông có đánh giá gì về sự phát triển này?
Theo những con số Bộ TT&TT công bố, Việt Nam hiện có 20 triệu thuê bao 3G, tức là 1/4 dân số được sử dụng công nghệ này. 3G của Việt Nam có tốc độ phát triển tương đối nhanh. 3G khác với 2G vì 2G chỉ có 2 dịch vụ cơ bản gọi và nhắn tin, trong khi 3G là giải pháp mang tính chất hoàn chỉnh (end to end), trong đó người dùng cuối cần điện thoại màn hình lớn, độ phân giải cao, bộ vi xử lí tốc độ nhanh, tốc độ tải dữ liệu nhanh và dịch vụ, tuổi thọ pin dài. Có thể nói, tất cả những người trong hệ sinh thái phải hiểu các yếu tố có sự liên quan tới nhau như vậy và Qualcomm đã hỗ trợ nhà mạng viễn thông về vấn đề này từ thời gian trước. Gần đây, Qualcomm giới thiệu một con chip chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay út, cho phép đơn vị thiết kế điện thoại đưa ra được thiết bị mạnh mẽ hơn nhưng tiêu tốn ít điện năng hơn, đi đúng theo xu thế thị trường.
Với tầm nhìn "Smartphone cho mọi người", chúng tôi thấy còn nhiều tiềm năng để phát triển vì 75% dân số Việt Nam vẫn chưa có cơ hội sử dụng 3G. Hiện nay, những nội dung về giáo dục được số hóa nhiều nhưng làm thế nào để thông tin đến với trẻ em mọi nơi mọi lúc; trong lĩnh vực y tế cũng vậy, nhiều người dân Việt Nam chưa được tiếp cận dịch vụ y tế tốt. Muốn ứng dụng thành công phải có 3G và thiết bị điện toán di động - rõ ràng là những lợi ích của 3G mang lại còn rất nhiều. Nếu nhìn 3G như công nghệ băng thông rộng di động, chúng ta chỉ cần thêm một số ứng dụng, đưa 3G vào dịch vụ y tế vùng sâu vùng xa thì nhiều người có cơ hội thụ hưởng hơn. Ví dụ, quá trình hội chẩn thay vì bác sĩ phải đi tới từng vùng thì thực hiện qua truyền hình hay smartphone đã chuyển ảnh, thông tin người bệnh lên rất nhanh… Tiềm năng 3G mang lại cho Việt Nam còn rất lớn, 25% dân số truy cập 3G là khởi đầu tốt. Sau này, chúng ta phải đưa nhiều ứng dụng tốt hơn, Qualcomm đang phải chuẩn bị cho yêu cầu tiếp theo, nhu cầu về dữ liệu trên mạng sẽ lên gấp 1.000 lần so với hiện nay.
Hạ tầng 3G của Việt Nam đã phủ 90% người dân, nhưng để phổ cập băng rộng di động khó khăn nhất chính là thiết bị đầu cuối. Viettel đang có khát vọng là 20 triệu học sinh, sinh viên đến trường dùng máy tính bảng với giá rẻ tầm 40-50 USD. Qualcomm có sáng kiến nào để cùng Việt Nam sản xuất thiết bị giá rẻ hay không?
Hoạt động chính của Qualcomm là sản xuất chip. Chip là linh kiện, một cấu phần của cả thiết bị như thiết bị đầu cuối. Tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, khoảng trên 60% người dùng đang dùng thiết bị dưới 200 USD, trong 60% này có hơn một nửa lại sử dụng thiết bị có giá dưới 100 USD. Xu thế giá thiết bị đầu cuối giảm đi nhưng sức mạnh tăng lên. Với câu hỏi liệu Qualcomm có giúp sản xuất thiết bị 50 USD không thì câu trả lời là có nhưng cần thời gian.
Qualcomm không làm một mình mà hợp tác với các bên trong chuỗi cung ứng, mỗi người đóng góp một phần để tạo ra thiết bị đầu cuối giá rẻ nhất để tăng mức độ sử dụng 3G lên.
Theo ICTNews