Theo ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT, để thị trường viễn thông thực sự cạnh tranh, 2 doanh nghiệp nhà nước lớn trong thị trường...
Theo ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT, để thị trường viễn thông thực sự cạnh tranh, 2 doanh nghiệp nhà nước lớn trong thị trường viễn thông là VNPT và Viettel, có thể giữ lại Viettel 100% vốn nhà nước, còn lại có nên cổ phần hóa kể cả VNPT.
Lo ngại quay lại độc quyền trong viễn thông?
Tại Lễ công bố các sự kiện ICT tiêu biểu 2012 và tọa đàm triển vọng viễn thông 2013 ngày 27/12, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, mặc dù thị trường viễn thông Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường cạnh tranh nhất trong khu vực với chất lượng ngày càng cao, giá cước giảm. Khả năng truy nhập của người dân đến các dịch vụ viễn thông cũng rất thuận lợi kể cả ở vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, thị trường viễn thông cũng bộc lộ nhiều yếu tố thể hiện sự không bền vững như Tập đoàn Vimpelcom rút khỏi Việt Nam bằng việc bán rẻ cổ phần trong mạng GTel sau khi tập đoàn này không thấy có cơ hội phát triển hay sự lao dốc không phanh của S-Fone, "Điều đó thể hiện môi trường CNTT-Truyền thông ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém", Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh.
Theo Thứ Trưởng Lê Nam Thắng, dù thị trường viễn thông có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối. Do quản lí của doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế nên hiệu quả hoạt động của thị trường chưa cao, dẫn đến việc một số doanh nghiệp buộc phải rút lui khỏi thị trường như EVN Telecom, Vimpelcom...
Vì thế, trong hơn 10 năm qua, thị trường viễn thông chưa huy động được nguồn lực xã hội. Cách duy nhất để huy động nguồn lực của xã hội là phải cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhà nước sẽ không nắm những doanh nghiệp không quan trọng với an ninh quốc gia, lợi ích công cộng mà để các thành phần kinh tế khác tham gia.
Cùng quan điểm, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ BCVT (nay là Bộ TT&TT) cho biết, thị trường viễn thông Việt Nam còn nhiều vấn đề phải điều chỉnh như có đến 95% hoặc thậm chí 99% doanh nghiệp viễn thông là của Nhà nước. "Cách đây 2 năm, tôi đã nói cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông giống như anh em trong 1 gia đình, cha mẹ cho ra ở riêng nên chưa có cạnh tranh thực sự. Nhưng đến nay, việc này chưa được xử lý", ông Trực cho biết thêm.
Ông Trương Gia Bình, Tổng Giám đốc FPT lại lo lắng trước nguy cơ trở lại độc quyền của lĩnh vực viễn thông khi trong giai đoạn kinh tế khó khăn thì giá cho thuê kênh của một số doanh nghiệp tăng 2 - 3 lần so với mức giá cũ... "Doanh nghiệp nào cũng vì lợi ích của mình mà phải cạnh tranh nhưng chúng ta phải quản lí làm sao để đất nước và người dân có lợi nhất", ông Bình khẳng định.
Vì thế, ông Bình đồng tình với quy định "mỗi dịch vụ viễn thông quan trọng như di động, Internet băng rộng, cố định đường dài và quốc tế phải có ít 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để đảm bảo cạnh tranh" trong Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020.
Thị trường sẽ chỉ còn 3-4 doanh nghiệp
Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, Bộ TT&TT đề xuất nhiều phương án để bảo đảm thị trường không đổ vỡ. Cụ thể, nếu doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, Bộ TT&TT sẽ tiến hành rút giấy phép của doanh nghiệp đó như trường hợp của Đông Dương Telecom - sau khi rút giấy phép, doanh nghiệp vẫn tồn tại nhưng kinh doanh ở lĩnh vực khác chứ không hoàn toàn xóa bỏ; hay cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hình thức sát nhập ví dụ EVN Telecom vào Viettel để doanh nghiệp yếu kém không tham gia thị trường, chỉ giữ lại những doanh nghiệp thực sự có năng lực hoạt động. "Một phương án khác đảm bảo thị trưởng không đổ vỡ là cổ phẩn hóa doanh nghiệp để từ đó hình thành thị trường cạnh tranh có ít nhất 3 doanh nghiệp trở lên", Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định.
Do định hướng chính sách chung của Đảng và Nhà nước là cơ cấu lại các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước nên xu hướng rút ra khỏi thị trường của một số doanh nghiệp viễn thông cũng là một dấu hiệu tốt, nhằm cơ cấu lại thị trường theo hướng lành mạnh hơn, hiệu quả hơn. Vì vậy, Bộ TT&TT sẽ tạo nhiều giải pháp, tùy từng trường hợp cụ thể để quyết định rút giấy phép, sát nhập hoặc phá sản, để cuối cùng đạt được thị trường đúng như Chính phủ quy định, hình thành một số doanh nghiệp lớn làm chủ thị trường trong nước và vươn ra quốc tế.
Ông Trực cho biết: "Tại thời điểm 2008 - 2009, khi phát biểu tại Quốc hội, tôi đã khẳng định việc quá nhiều doanh nghiệp được cấp phép là không đúng vì đều là doanh nghiệp nhà nước nên sẽ gây lãng phí. Đối với các doanh nghiệp phá sản, nếu là doanh nghiệp lớn thì Nhà nước phải can thiệp giống như trong lĩnh vực ngân hàng. Còn với các doanh nghiệp nhỏ, cơ quan quản lí không nên can thiệp vì đó là việc của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn lo cứu doanh nghiệp chỉ vì đó là doanh nghiệp của nhà nước nên cấu trúc thị trường chưa thực sự cạnh tranh". "Cá nhân tôi cho rằng, với 2 doanh nghiệp lớn là VNPT và Viettel, chúng ta có thể giữ lại một doanh nghiệp nhà nước (Viettel) và cổ phần hóa doanh nghiệp còn lại (VNPT). Doanh nghiệp thứ 3-4 có thể là các doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài. Khi đó, thị trường viễn thông mới thực sự cạnh tranh", ông Trực nói.
Theo ICTNews