Thị trường viễn thông đã có sự phân hóa rõ rệt khi 2 ông lớn Viettel và VNPT vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt thì các nhà mạng nhỏ lại rơi và...
Thị trường viễn thông đã có sự phân hóa rõ rệt khi 2 ông lớn Viettel và VNPT vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt thì các nhà mạng nhỏ lại rơi vào tình trạng bi đát. Bộ TT-TT cho biết doanh nghiệp yếu kém có thể tự tuyên bố phá sản.
Tại Lễ công bố 10 sự kiện ICT Việt Nam tiêu điểm năm 2012 do CLB Nhà báo CNTT (ICT Press Club) tổ chức sáng nay tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông (TT-TT) Lê Nam Thắng cho biết: Cách đây 15 năm, từ năm 1997, lần đầu tiên 4 doanh nghiệp viễn thông được cấp phép cạnh tranh thị trường. Đây là thành công rất quan trọng của ngành viễn thông, mở được đột phá khẩu đầu tiên, mở cửa cạnh tranh thị trường viễn thông.
Theo Thứ trưởng, hiện thị trường viễn thông Việt Nam được đánh giá 1 trong những thị trường cạnh tranh nhất trong khu vực: chất lượng ngày càng cao, giá cước ngày càng giảm. Theo nghiên cứu của EU đánh giá chất lượng, giá cước viễn thông của thị trường ASEAN+3 (Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản), Việt Nam đứng số 1 về giá cước rẻ nhất (về giá trị tuyệt đối; còn mức giá trên thu nhập đầu người vẫn đứng thứ 4 - 5). Khả năng truy nhập của người dân đến các dịch vụ viễn thông cũng rất thuận lợi, vùng sâu, xa cũng có khả năng truy nhập đến các dịch vụ di động và Internet. “Nhiều nước phát triển, đang phát triển khác cũng không dễ làm được điều này”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông (TT-TT) Lê Nam Thắng phát biểu tại Lễ công bố 10 sự kiện ICT Việt Nam 2012. |
Tuy nhiên, đại diện Bộ TT-TT thừa nhận thị trường viễn thông Việt Nam có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhưng chủ yếu doanh nghiệp nhà nước, cổ phần nhà nước chi phối. Về bản chất trong hơn 10 năm qua đây là thị trường của các doanh nghiệp nhà nước, chưa huy động được nguồn lực xã hội. Quản lý của doanh nghiệp nhà nước còn yếu kém nên hiệu quả hoạt động của thị trường viễn thông còn nhiều bất cập, yếu kém.
Trả lời câu hỏi liệu Chính phủ có “thả phao cứu sinh” cho doanh nghiệp viễn thông yếu kém có nguy cơ phá sản hay không, Thứ trưởng chỉ rõ một số doanh nghiệp đã gặp khó khăn như EVN Telecom (sáp nhập với Viettel), SPT (S-Fone).. chắc chắn sẽ phải rút ra khỏi thị trường.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết Bộ sẽ đề xuất các phương án để các doanh nghiệp rút ra khỏi thị trường nhưng không gây đổ vỡ.
Thứ nhất, doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả thì Bộ TT-TT rút giấy phép (ví dụ Đông Dương Telecom), không cho doanh nghiệp tham gia thị trường viễn thông mà chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác.
Thứ hai, cơ cấu lại những doanh nghiệp yếu kém theo hình thức sáp nhập (ví dụ EVN Telecom - Viettel), để doanh nghiệp yếu kém không tham gia thị trường. Những doanh nghiệp có năng lực thực sự sẽ đầu tư xây dựng và cung cấp các dịch vụ.
Thứ trưởng cũng đề cập các hình thức “xóa sổ” những doanh nghiệp yếu kém là thông qua việc thành lập công ty cổ phần, công ty tư nhân trên cơ sở tự nguyện, đàm phán thương mại để hợp lực với nhau trở thành công ty lớn.
Bộ TT-TT cho biết sẽ cho phép một số doanh nghiệp gặp khó khăn có thể tự tuyên bố phá sản, rút ra khỏi thị trường viễn thông. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn có thể tồn tại và kinh doanh trên các lĩnh vực mà họ có khả năng.
“Bộ sẽ đưa ra nhiều giải pháp, hướng xử lý tùy từng trường hợp cụ thể để quyết định rút giấy phép, sáp nhập hoặc bắt buộc phá sản, để cuối cùng đạt được thị trường đúng như quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, hình thành thị trường cạnh tranh có ít nhất 3 doanh nghiệp trở lên. Trong những lĩnh vực quan trọng thì phải hình thành 3 - 4 tập đoàn mạnh cung cấp đa dịch vụ trên toàn quốc”, Thứ trưởng cho biết.
Trước đó, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông cũng khẳng định, Bộ TT-TT sẽ kiên quyết quan điểm duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh. Những doanh nghiệp nào có năng lực cạnh tranh tốt thì tồn tại, bất kể đó là doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ.
“Doanh nghiệp lớn thì có năng lực cạnh tranh, nhưng không phải doanh nghiệp nhỏ không có năng lực cạnh tranh. Khi họ chọn thị trường hợp lý, có phương pháp kinh doanh hiệu quả thì sẽ vẫn tồn tại và họ phải được đảm bảo quyền thâm nhập thị trường. Bộ TT-TT sẽ bảo vệ sự phát triển của các doanh nghiệp này. Nhưng cũng sẽ không bảo vệ bằng mọi giá tất cả các doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh. Vì vậy, những doanh nghiệp không có năng lực cạnh tranh thì hoàn toàn có thể bị chết, chấm dứt và rút khỏi thị trường”, ông Phạm Hồng Hải nói.
Theo Dân Trí