Viettel, MobiFone, VinaPhone nằm trong nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường trong lĩnh vực di động, do đó Bộ TT&...
Viettel, MobiFone, VinaPhone nằm trong nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường trong lĩnh vực di động, do đó Bộ TT&TT sẽ phải quản chặt về giá cước để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh và ổn định.
Những doanh nghiệp nằm trong nhóm có vị trí thống lĩnh thị trường sẽ bị quản chặt về giá cước. |
Doanh nghiệp nào sẽ bị quản lý giá?
Bộ TT&TT đang lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện và ban hành Thông tư ban hành danh mục doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ viễn thông quan trọng. Bộ TT&TT cho biết, sở cứ để đưa ra quy định này là căn cứ Điều 11 của Luật Cạnh tranh. Cụ thể, điều khoản này quy định: Doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có tổng thị phần từ 30% trở lên; Nhóm 2 doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có tổng thị phần từ 50% trở lên; Nhóm 3 doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có tổng thị phần từ 65% trở lên.
Ở dự thảo Thông tư nêu trên, đối với dịch vụ viễn thông cố định mặt đất, Bộ TT&TT xếp VNPT là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường duy nhất đối với dịch vụ điện thoại đường dài trong nước. Bộ TT&TT xác định đây là dịch vụ viễn thông quan trọng và phổ cập và phải quản VNPT bằng hình thức bắt buộc phải đăng ký giá cước. VNPT cũng là doanh nghiệp duy nhất mà Bộ TT&TT xếp vào doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với dịch vụ kênh thuê riêng nội hạt và dịch vụ kênh thuê riêng đường dài trong nước. Vì vậy, Bộ TT&TT sẽ quản VNPT bằng hình thức bắt buộc phải thông báo giá cước đối với dịch vụ kênh thuê riêng nội hạt và thực hiện đăng ký giá cước đối với dịch vụ kênh thuê riêng đường dài trong nước.
Đối với dịch vụ điện thoại quốc tế, Bộ TT&TT xác định ngoài VNPT thì Viettel cũng sẽ nằm trong danh sách nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường. Bộ TT&TT sẽ phải quản VNPT và Viettel bằng hình thức bắt buộc phải đăng ký giá cước.
Trong dự thảo Thông tư, Bộ TT&TT cũng thêm nhóm doanh nghiệp gồm VNPT, Viettel, SPT là thống lĩnh thị trường dịch vụ kênh thuê riêng quốc tế và nhóm doanh nghiệp VNPT, FPT, Viettel thống lĩnh thị trường dịch vụ truy nhập Internet băng rộng. Các nhóm doanh nghiệp này sẽ phải thực hiện đăng ký giá cước.
Riêng dịch vụ điện thoại nội hạt, dự thảo Thông tư nêu rõ đây là dịch vụ viễn thông quan trọng và phổ cập nên tất cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đều phải đăng ký giá cước.
Sẽ ảnh hưởng đến việc tái cấu trúc VNPT?
Trong dự thảo Thông tư ban hành danh mục doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ viễn thông quan trọng thì đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất có đưa ra nhóm doanh nghiệp Viettel, MobiFone, VinaPhone có vị trí thống lĩnh thị trường dịch vụ điện thoại và dịch vụ nhắn tin, dịch vụ truy nhập Internet. Do vậy, các doanh nghiệp này phải đăng ký giá cước hòa mạng, cước thuê bao, cước thông tin, giá bộ SIM cũng như giá cước dịch vụ truy nhập Internet.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ TT&TT đưa ra quy định doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ viễn thông quan trọng nằm trong phần chính sách quy hoạch thị trường viễn thông. Điều này cũng sẽ tác động đến số phận tách, nhập của hai mạng di động là VinaPhone và MobiFone.
Theo Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ phải đảm bảo thị trường viễn thông phát triển bền vững theo hướng chất lượng, hiệu quả trên cơ sở tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Vì vậy, đối với mỗi thị trường dịch vụ viễn thông quan trọng như di động, Internet băng rộng, cố định đường dài và quốc tế phải có ít nhất 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để đảm bảo cạnh tranh. Việc tạo ra thị trường cạnh tranh đối với dịch vụ di động, Internet băng rộng, cố định đường dài và quốc tế sẽ thông qua các chính sách cấp phép, kết nối, kiểm soát bình ổn thị trường và quy hoạch tài nguyên phù hợp.
Tuy nhiên, nếu kịch bản sáp nhập VinaPhone và MobiFone diễn ra sẽ tạo ra thị trường có 2 doanh nghiệp là VNPT và Viettel chiếm khoảng 95% thị phần về thuê bao. Điều này được cho là không tốt cho việc cạnh tranh. Trong Luật Cạnh tranh có quy định cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan.
Trên thực tế, VNPT có thể đưa ra dẫn chứng việc sáp nhập VinaPhone và MobiFone không vi phạm Luật Cạnh tranh nếu xét vào chỉ số thuê bao của hai mạng trên thị trường di động hiện nay. Tuy nhiên, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã xác nhận rằng nếu sáp nhập VinaPhone và MobiFone sẽ không xét ở khía cạnh thuê bao, mà xét trên khía cạnh doanh thu. Như vậy, chắc chắn việc sáp nhập hai mạng di động này sẽ có doanh thu lớn hơn mạng Viettel và có thị phần trên 50% bởi MobiFone và VinaPhone đang là hai mạng dẫn đầu về doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao.
Mới đây, TS.Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, hiện nay cấu trúc thị trường viễn thông đang "có vấn đề". Vì vậy, Bộ TT&TT cần đưa ra thông điệp rõ ràng về việc có sáp nhập hay không VinaPhone – MobiFone. Ông Võ Trí Thành đưa ra các lý do để không thể quyết định cho sáp nhập VinaPhone – MobiFone, trong đó cần phải xem xét lại vấn đề pháp lý trong Luật Cạnh tranh. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay thì việc cho sáp nhập 2 mạng di động này là tín hiệu không tốt trong cải cách doanh nghiệp. "Các nhà hoạch định chính sách nhiều khi quên rằng cạnh tranh là máu thịt, là nền tảng của kinh tế thị trường. Nguyên lý của cạnh tranh là không phải bảo vệ những người đang chơi trên thị trường mà là bảo vệ áp lực cạnh tranh. Chính sách phải bảo vệ áp lực cạnh tranh chứ không phải bảo vệ người chơi", ông Võ Trí Thành nói.
TK
Nội dung đăng trên Báo Bưu điện Việt Nam số 121 ra ngày 8/10/2012