Cho dù có tới vài chục doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, thế nhưng thị trường này đang tồn tại nghịch lý độc quyền nên khá...
Cho dù có tới vài chục doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, thế nhưng thị trường này đang tồn tại nghịch lý độc quyền nên khách hàng là người chịu thiệt khi chất lượng dịch vụ kém, thái độ phục vụ không tốt và cước thì liên tục tăng.
Nhân viên của VCTV kéo cáp truyền hình tới các khu dân cư. |
Phập phù chất lượng
Sự lộn xộn, manh mún của thị trường truyền hình cáp Việt Nam đã được giới truyền thông và cơ quan quản lý lên tiếng nhiều lần trong thời gian qua. Thị trường này tuy có nhiều nhà cung cấp nhưng thị phần chủ yếu vẫn nằm trong tay các nhà cung cấp lớn: VTV (VCTV, SCTV), Truyền hình cáp Hà Nội, Truyền hình cáp TP.HCM. Các DN khác chỉ được cung cấp ở một địa bàn nhất định, đa phần là phát triển hạ tầng trên địa bàn tỉnh, huyện chứ không làm nội dung mà mua nội dung của các "đại gia" nói trên để cung cấp cho khách hàng.
Theo thống kê sơ bộ hiện nay thì VTV chiếm tới 70% thị phần thuê bao truyền hình trả tiền (VCTV khoảng 30% và SCTV là 40%). Về cơ bản chỉ có VTV là đơn vị có vùng phủ lớn nhất trên lãnh thổ Việt Nam, thậm chí có nơi chỉ có duy nhất truyền hình cáp của VTV cung cấp dịch vụ. Mặc dù có thị phần lớn đến vậy nhưng cung cách phục vụ và chất lượng dịch vụ mà VTV cung cấp cho khách hàng còn nhiều hạn chế.
Anh Quang Hùng (khu tập thể ĐH Thủy lợi - Hà Nội) phản ánh, mới đây gia đình anh có nhu cầu lắp truyền hình cáp. Anh đã gọi cho tổng đài của VCTV để đăng ký lắp đặt vào ngày Chủ Nhật. Thế nhưng, nhân viên của VCTV trả lời thẳng thừng: “Chúng em không lắp đặt vào ngày chủ nhật anh ạ”. Cuối cùng, anh Hùng đành bấm bụng nghỉ làm để cho nhân viên của VTCV đến lắp đặt cáp vào thứ Hai. Tuy nhiên, sau vài hôm lắp đặt dịch vụ xong thì truyền hình cáp của nhà anh bị mất tín hiệu. Anh Hùng gọi cho tổng đài của VCTV báo hỏng dịch vụ thì phải sang ngày hôm sau mới có nhân viên đến khắc phục.
“Đã là nhà cung cấp dịch vụ thì phải tăng cường làm Chủ Nhật vì những ngày đó khách hàng mới được nghỉ ở nhà, còn ngày thường họ đi làm thì sao kéo cáp đến được? Chất lượng dịch vụ phập phù, gọi số điện thoại chăm sóc khách hàng thì chậm khắc phục. Tôi cảm thấy cung cách làm ăn của VCTV rất quan liêu và mang đậm chất trì trệ của doanh nghiệp Nhà nước”, anh Quang Hùng than thở.
Bà N.T.Hoàn ở ngách 175 Thịnh Quang, Hà Nội cũng phản ánh tình trạng truyền hình cáp của VCTV thường xuyên mất tín hiệu khiến người dùng rất bực mình. Ban đầu bà còn gọi đến đường dây nóng, dần dà tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần nên chán chả buồn gọi nữa!
Ông T.T Tài (trú tại tổ 3, phường Vân Cơ, TP Việt Trì - Phú Thọ) là một khách hàng của VCTV được 2 năm nay cũng phản ảnh chất lượng dịch vụ truyền hình cáp ở đây rất kém. “Tôi có người nhà ở Hà Nội cũng dùng dịch vụ truyền hình cáp của Đài Truyền hình Việt Nam. Thế nhưng, chất lượng đường truyền ở đó khá tốt, trong khi chất lượng dịch vụ này ở trên Phú Thọ không ổn định, hay bị nhiễu. Mấy nhà hàng xóm của tôi cũng gặp phải tình trạng tương tự. Khi tôi phản ánh lên tổng đài thì họ bảo chất lượng dịch vụ chỉ có thế thôi!? Tôi nghĩ là họ đã thu tiền thuê bao của khách hàng thì phải đảm bảo chất lượng dịch vụ chứ không thể để mỗi nơi một khác như vậy được”.
Trên khá nhiều diễn đàn mạng các thuê bao truyền hình cáp thường kêu ca về chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng kém của các nhà cung cấp dịch vụ. Đây được cho là nhược điểm rất khó khắc phục của các doanh nghiệp truyền hình cáp vốn phần lớn là của Nhà nước.
Truyền hình cáp liên tục tăng giá, viễn thông giảm giá
Thời gian qua, thị trường viễn thông đã có sự cạnh tranh mạnh và các nhà cung cấp phải xuống tận hộ gia đình, đến từng người dân để bán dịch vụ không kể ngày nghỉ - trái ngược với hình ảnh quan liêu của một số nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Điều này phần nào lý giải tâm lý lo ngại cạnh tranh của các DN truyền hình cáp khi thấy các DN viễn thông nhòm ngó "miếng bánh" này.
Mới đây, VTV tuyên bố bắt đầu từ 1/9/2012, giá thuê bao của truyền hình cáp Việt Nam tăng lên mức 110.000 đồng/tháng, cao hơn 25% so với mức cũ 88.000 đồng/tháng. Đây cũng là dịch vụ mà từ năm 2009 đến nay liên tiếp tăng giá: ban đầu là 44.000 đồng/tivi/tháng, sau tăng lên 65.000 đồng; từ 1/5/2011 tăng lên 88.000 đồng và sau hơn 1 năm, đến 1/9/2012 lại tăng tới 110.000 đồng.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đến 1 năm rưỡi, VCTV đã tăng giá tới gần 70% (từ 65.000 lên 110.000 đồng) - mức tăng cao hiếm thấy của một loại hình dịch vụ được xem là thiết yếu với cuộc sống của người dân. Trả lời vấn đề này trên truyền thông mới đây, bà Nguyễn Thị Hoàng Phương - Trưởng phòng Truyền thông của VCTV lý giải: "Việc tăng giá đã có kế hoạch từ trước, nằm trong lộ trình tăng kênh, mua bản quyền và nâng cao chất lượng phục vụ khán giả. Truyền hình cáp là một đơn vị nằm trong Đài Truyền hình Trung ương. Thế nhưng, ngoài phục vụ nhiệm vụ chính trị thông tin tuyên truyền như các cơ quan thông tấn khác, chúng tôi cũng là một doanh nghiệp kinh doanh, mà kinh doanh thì phải hướng tới lợi nhuận. Hiện nay, chi phí về bản quyền mà truyền hình phải trả cho các đối tác tăng lên, đồng thời các chi phí liên quan đến sản xuất nội dung như truyền dẫn phát sóng, tăng kênh, nâng cao chất lượng kênh cũng tăng".
Bình luận về vấn đề này, Giám đốc một công ty truyền thông tại Hà Nội đưa ra nhận xét, việc VCTV liên tục tăng cước như vậy không thể lý giải được ngoại trừ đó là vì... độc quyền. Vị này đưa ra so sánh, nếu như hơn 10 năm trước thị trường viễn thông vẫn độc quyền thì việc tăng cước không có gì lạ. Lúc đó VNPT có muôn vàn lý do để tăng cước như mua thiết bị giá cao nên phải khấu hao… Thế nhưng, từ khi có thêm DN khác tham gia vào thị trường thì họ lại có muôn vàn lý do để giảm cước, thậm chí còn bị Bộ TT&TT “thổi còi” vì ra những gói cước quá rẻ.
Truyền hình địa phương: Muốn được lên cáp, phải có tiền
Trong buổi hội thảo về quy hoạch truyền hình mới đây do Bộ TT&TT tổ chức, Giám đốc Đài Truyền hình Đồng Nai, ông Mai Sông Bé “tố” rằng các đài truyền hình địa phương muốn lên được truyền hình cáp thì phải trả tiền!? "Nghịch lý là chúng ta sẵn sàng bỏ ra rất nhiều USD để mua 75 kênh truyền hình của nước ngoài, góp phần quảng bá cho văn hóa nước ngoài, nhưng lại "cản trở" khán giả cả nước được thưởng thức những "đặc sản" văn hóa của mỗi vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam. Nếu các đài địa phương không chi tiền thì đừng mong lên mạng cáp của Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình TP.HCM. Trong khi đó, tại Trung Quốc thì có đài truyền hình không phát kênh nước ngoài nào cả. Tôi đã năn nỉ các anh VTV mà chưa lên được… Sắp tới, chúng tôi sẽ “tam bộ nhất bái” để được lên truyền hình cáp VTV”, ông Mai Sông Bé bày tỏ nỗi bức xúc.
Thái Khang
Nội dung trên đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 117 ra ngày 28/9/2012