Theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), Việt Nam nên chỉ có tối đa 4-5 doanh nghiệp di động để đảm bảo thị trường ...
Theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), Việt Nam nên chỉ có tối đa 4-5 doanh nghiệp di động để đảm bảo thị trường phát triển cạnh tranh, tránh sụp đổ vì quá nhiều đơn vị tham gia.
Thị trường di động Việt Nam nên chỉ có tối đa 4-5 doanh nghiệp tham gia để đảm bảo thị trường cạnh tranh, phát triển bền vững. |
Cần ít nhất 3 doanh nghiệp di động tham gia thị trường
Theo Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/7/2012, để đảm bảo thị trường viễn thông phát triển bền vững theo hướng chất lượng, hiệu quả trên cơ sở tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, mỗi thị trường dịch vụ viễn thông quan trọng như di động, Internet băng rộng, cố định đường dài và quốc tế phải có ít nhất 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để đảm bảo cạnh tranh. Việc tạo ra thị trường cạnh tranh đối với dịch vụ di động sẽ thông qua các chính sách cấp phép, kết nối, kiểm soát bình ổn thị trường và quy hoạch tài nguyên phù hợp. Các biện pháp này cũng nhằm đảm bảo tránh được sự tham gia quá nhiều, đặc biệt là của các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực viễn thông dẫn đến cạnh tranh quá mức và hiệu quả kinh doanh trên thị trường thấp.
Bên cạnh đó, sẽ tổ chức lại các doanh nghiệp viễn thông, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, theo hướng cho phép chuyển giao, mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp viễn thông nhằm hình thành 3-4 tập đoàn, tổng công ty mạnh hoạt động theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa trên cơ sở sử dụng hiệu quả hạ tầng cơ sở, nguồn lực và tài nguyên viễn thông một cách hợp lý để chống xu hướng độc quyền hóa trong hoạt động viễn thông.
Nhưng chỉ nên có 3-5 doanh nghiệp di động
Tuy nhiên, sau khi Quy hoạch này được phê duyệt, đã có rất nhiều băn khoăn lo ngại về việc bao nhiêu doanh nghiệp là đủ để thị trường cạnh tranh và phát triển bền vững: 6 doanh nghiệp như hiện nay (MobiFone, VinaPhone, Viettel, Gtel, Vietnamobile, SPT) hay chỉ cần 3-4 doanh nghiệp, thậm chí còn ít hơn là đã đủ. Khi mà, mới đây, kết quả báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá tính đặc thù, sự cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông di động vào cuối 2010 cho thấy, thị trường viễn thông di động Việt Nam hiện nay rất cạnh tranh dù bất chấp một nghịch lý là phần lớn các doanh nghiệp tham gia thị trường đều là doanh nghiệp nhà nước như MobiFone, VinaPhone, Viettel.
Về vấn đề này, tại buổi Tọa đàm với chủ đề "Kịch bản nào cho thị trường viễn thông Việt Nam?" do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT tổ chức chiều ngày 12/9, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết: "Trong nhiều cuộc trao đổi liên quan đến quyết định của Thủ tướng về quy hoạch thị trường, chúng tôi cũng nhiều lần đặt câu hỏi bao nhiêu doanh nghiệp là vừa khi mà 2 doanh nghiệp cũng có thể cạnh tranh lẫn nhau và càng nhiều thì về lý thuyết cạnh tranh càng mạnh. Mặc dù vậy, vấn đề đặt ra ở đây là cạnh tranh thế nào để phát triển bền vững, khi mà năm 2009 – 2010, ở thị trường Bangladesh, dù có đến 7 doanh nghiệp nhưng tất cả đều lỗ, bán không ai mua và thị trường sụp đổ. Vì thế, mỗi quốc gia có sự tính toán khác nhau để duy trì cạnh tranh, như tại Anh, họ chỉ có 5 doanh nghiệp mà không đưa lên con số 6 hoặc giảm đi xuống còn 3-4 doanh nghiệp, nhưng ở Pháp, con số doanh nghiệp viễn thông thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 3 doanh nghiệp dù có đến 60 triệu dân".
"Sau khi tranh cãi, Pháp đã đưa lên Hội đồng Châu Âu xem xét quyết định cấp thêm 1 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động nhưng sau 1 thời gian, cơ quan quản lý thấy rằng thị trường đang cạnh tranh quá mức", ông Hải cho biết thêm.
Do đó, con số doanh nghiệp phụ thuộc vào điều kiện của từng nước, song con số từ 3 cho đến 5 doanh nghiệp ở Việt Nam là đủ để đảm bảo thị trường phát triển cạnh tranh, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, nhà nước và nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính doanh nghiệp.
Trước đó, ông Hải cũng nhiều lần khẳng định, để phát triển bền vững và hiệu quả, các doanh nghiệp tham gia thị trường phải có thị phần tương đồng để tạo thành thế chân vạc trên thị trường. Ông Phạm Hồng Hải ví dụ, nếu chỉ có 2 doanh nghiệp có thị phần lớn và 1 doanh nghiệp chiếm thị phần nhỏ thì cũng sẽ không thể tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Cùng quan điểm với ông Hải, ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty luật TNHH Quốc tế Ban Mai Việt Nam cho biết, nếu chúng ta chỉ tập trung kinh tế vào 1-2 nhà mạng thì sẽ là điều vô cùng nguy hiểm. Ở các nước Châu Âu, Mỹ, họ thường đưa ra chính sách phù hợp hơn, công bằng cho các nhà mạng nhỏ. Ở Việt Nam, khoảng cách giữa 3 "đại gia" VinaPhone, MobiFone, Viettel với các nhà mạng khác là rất lớn và khó lấp đầy nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ các nhà mạng nhỏ như Vietnamobile. "Tập trung quyền lực, tập trung kinh tế vào 2 nhà mạng lớn để các nhà mạng nhỏ chết dần thì không phải kịch bản tốt và chúng ta phải tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, làm an tâm những người đang đầu tư vào thị trường này", ông Hùng nhấn mạnh.
Nguyễn Khiêm
Nội dung đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 111 ra ngày 14/9/2012