Robot thăm dò sao Hỏa Curiosity vừa thực hiện thành công hành trình di chuyển thử nghiệm đầu tiên trên Hành tinh Đỏ hôm 22/8 sau hơn 2 tuần ...
Robot thăm dò sao Hỏa Curiosity vừa thực hiện thành công hành trình di chuyển thử nghiệm đầu tiên trên Hành tinh Đỏ hôm 22/8 sau hơn 2 tuần hạ cánh.
Theo NASA, Curiosity đã tiến lên 4.5m, rẽ phải với góc vuông 90 độ sau đó đi lùi 2,5m. Tổng khoảng cách di chuyển của robot mang tên Phòng thí nghiệm khoa học sao Hỏa là 6m. Trong lúc di chuyển, robot mang tên “Tò mò” đã chụp thêm nhiều bức ảnh bề mặt sao Hỏa, trong đó có cả dấu vết của chính nó, rồi gửi về trái đất.
Trong thời gian tới, Curiosity sẽ thực hiện thêm một số thử nghiệm, sau đó tìm kiếm các dấu hiệu hỗ trợ sự sống trên sao Hỏa. Nó sẽ tiến về Đỉnh núi Sharp, cách vị trí đáp xuống 20km. Đây là nơi chứa các lớp đất đá hình thành qua thời gian, có thể trong đó còn lưu lại những phân tử hữu cơ, những yếu tố có thể giúp khẳng định sự sống từng tồn tại nơi đây, hoặc trong tương lai. Hành trình này sẽ kéo dài khoảng 1 năm, tùy thuộc vào thời gian dừng lại để nghiên cứu.
Bức ảnh độ phân giải cao chụp quá trình hạ cánh của Curiosity do NASA vừa công bố. (Nguồn: AP) |
Trước khi đến Đỉnh Sharp, Curiosity sẽ dành khoảng 2 tháng để đi ngược lại địa điểm mang tên Glenelg để thực hiện một số phân tích địa chất ở đây.
Dự án tàu Curiosity trị giá 2,5 tỷ USD là sứ mệnh sinh vật học vũ trụ đầu tiên của NASA kể từ những năm 1970. Robot thăm dò hiện đại nhất mà NASA từng thiết kế robot nặng 1 tấn, có 6 bánh xe và chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Kết quả nghiên cứu do Curiosity thực hiện có thể sẽ mở đường cho hành trình đưa người lên sao Hỏa sinh sống trong tương lai không xa.