Phương tiện đổ bộ Morpheus bốc cháy trong lần bay thử đầu tiên là một tai nạn ngoài dự kiến và dĩ nhiên NASA không chỉ chuẩn bị 1 giải pháp ...
Phương tiện đổ bộ Morpheus bốc cháy trong lần bay thử đầu tiên là một tai nạn ngoài dự kiến và dĩ nhiên NASA không chỉ chuẩn bị 1 giải pháp duy nhất.
Vừa qua, cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ đã tiếp tục chương trình các chuyên bay thử nghiệm tại trung tâm không gian Marshall ở Huntsville, bang Alabama với một nguyên mẫu phương tiện đổ bộ khác có tên Mighty Eagle. Mặc dù nhỏ hơn Morpheus và không mạnh mẽ bằng nhưng Mighty Eagle đang được sử dụng để phát triển một thế hệ robot đổ bộ mới giúp khám phá các thiên thể không có không khí trong hệ Mặt Trời, từ sao Thủy cho đến các mặt trăng của sao Mộc.
Mighty Eagle là công cụ thử nghiệm để phát triển các hệ thống tự động với khả năng đổ bộ lên những thiên thể thiếu không khí như mặt trăng, nơi tàu vũ trụ thông thường không thể dùng dù để hạ cánh. Lần thử nghiệm gần đây nhất của Mighty Eagle đã được thực hiện hồi năm ngoái và trong loạt thử nghiệm mới này, tàu sẽ được kiểm tra khả năng bay để nâng cấp các hệ thống điều khiển dẫn đường tự động. Trong quá trình thử nghiệm, Mighty Eagle sẽ bay và lơ lửng ở nhiều độ cao từ 30 ft (9,14 m) đến 100 ft (30,48 m) cũng như khả năng bay cắt mặt và hạ cánh.
Trong khi Morpheus được trang bị các động cơ đẩy dùng nhiên liệu dễ bay hơi thì Mighty Eagle là một chủ thể thử nghiệm với khí ấm (Warm Gas Test Article - WGTA). Tức là nó sử dụng 90% nhiên liệu hydro peroxyt - tương tự các hệ thống tên lửa đẩy James Bond được dùng tại các sự kiện thể thao và trình diễn công cộng.
Trên thực tế, các động cơ của Mighty Eagle là động cơ hơi nước. Hydro peroxyt đi qua một chất xúc tác và phân giải thành hơi và oxy, từ đó đẩy con tàu 3 chân nặng 317,5 kg lên không trung dưới sự điều khiển của một máy tính tích hợp. Do nhiên liệu không đốt cháy nên nó an toàn hơn cho mục đích thử nghiệm. Thêm vào đó, tàu có thời gian xoay vòng giữa các chuyến bay nhanh hơn và đơn giản hóa quy trình gia công do hydro peroxyt không ăn mòn như các nhiên liệu khác nên thép không gỉ có thể được sử dụng trong động cơ. Một yếu tố nữa là môi trường bởi khi vận hành, tàu chỉ thải ra nước và oxy.
Phiên bản trước đây của Mighty Eagle là một chủ thể thử nghiệm với khí lạnh (Cold Gas Test Article - CGTA) với nhiên liệu là khí nén, mặc dù còn an toàn hơn cả hydro peroxyt nhưng các động cơ đẩy chỉ cho phép tàu bay trong vài giây so với phiên bản WGTA là vài phút.
Mighty Eagle có kích thước không lớn. Khi đứng, tàu có chiều cao 1,21 m và đường kính 2,43 m, tương đương một chiếc xe chuyên chở trên sân golf. Tuy nhiên, tàu có thể thực hiện một chuyến bay hoàn chỉnh từ khâu cất cánh đến hạ cánh với máy tính giúp điều khiển các động cơ đẩy và camera giúp xử lý hình ảnh video trực tiếp để tàu có thể định hướng tự động.
Các thiên thể không có không khí trong hệ Mặt Trời có thể được khám phá bằng công nghệ này bao gồm mặt trăng của chúng ta, sao Thủy, các thiên thạch và mặt trăng của các hành tinh lân cận. Những sứ mạng trong tương lai sẽ bao gồm việc hạ cánh xuống một cực của mặt trăng để tìm kiếm sự tồn tại của nước, carbon dioxit, mê-tan và amoniac tại các miệng núi lửa nằm trong vùng luôn tối; thăm dò các khu vực phù hợp cho những chuyến đổ bộ tiếp theo; nghiên cứu về vùng xa của mặt trăng và thực hiện các sứ mạng lấy mẫu vật chất.
Được biết loạt các chuyến bay thử nghiệm của NASA hiện tại sẽ kéo dài đến hết tháng 9. Dưới đây là video trình diễn của Mighty Eagle: