Giả dạng những chiếc điện thoại di động Nokia, iPhone, móc khóa xe hơi… loạt súng bắn điện "ngụy trang" tinh vi như vậy đang là vấ...
Giả dạng những chiếc điện thoại di động Nokia, iPhone, móc khóa xe hơi… loạt súng bắn điện "ngụy trang" tinh vi như vậy đang là vấn nạn tiềm ẩn nguy cơ gây ra những hiểm họa khôn lường.
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã phát ra văn bản gửi Cảng vụ hàng không các khu vực, các hãng hàng không… đặc biệt là bộ phận An ninh hàng không chú ý trong quá trình kiểm tra, soi chiếu khi làm thủ tục yêu cầu tăng cường kiểm tra, ngăn chặn loại súng phóng điện có hình dạng như chiếc điện thoại iPhone 4/4S mới xuất hiện trên thị trường để đảm an ninh hàng không.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, loại súng phóng điện này do Công ty “Yellow Jetket” trụ sở tại Mỹ rao bán trực tuyến trên mạng, sử dụng một viên pin có điện thế lên tới 650.000 V gây tê liệt người. Đáng chú ý, đây không còn là vấn nạn mới bởi những sản phẩm tương tự đã xuất hiện trên thị trường từ vài năm gần đây và ICTnews cũng từng phản ánh về loại súng điện có hình dạng như chiếc điện thoại N97 do Nokia sản xuất.
Cùng đó, một số vụ việc kinh doanh, tàng trữ súng điện hình dạng điện thoại đã từng bị cơ quan công an triệt phá. Ví dụ, ngày 17/10/2012 vừa qua, đối tượng Võ Duy Phương (sinh năm 1992, quê Đắk Lắk) đã bị trinh sát Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an quận Tân Bình (TP.HCM) phát hiện tàng trữ và chuyên bán qua mạng loạt “hàng nóng” như dùi cui, bình xịt hơi cay, roi điện tính sát thương cao…, trong đó nhiều loại được ngụy trang dưới vỏ bọc “hiền lành” là cây đèn pin hoặc chiếc điện thoại di động.
Võ Duy Phương khai nhận, nguồn hàng được y đặt hàng từ một đầu mối ở Lạng Sơn, sau đó vận chuyển bằng xe khách giao tại bến xe khách miền Đông (TP.HCM).
Dùi cui điện dạng đèn pin cũng có kiểu dáng y chang những chiếc đèn pin này. |
Tuy nhiên, qua một số vụ việc bị triệt phá và từ thực tế hoạt động mua bán trái phép công cụ hỗ trợ trên mạng, thiết bị chỉ có hình dạng của một số loại điện thoại cấp thấp chứ chưa tới mức “thời thượng smartphone” giống y chang iPhone 4/4S mà Cục Hàng không Việt Nam vừa cảnh báo. Điều này cho thấy mức độ ngày càng tinh vi của loại công cụ hỗ trợ này.
Theo tìm hiểu thực tế của ICTnews tại khu vực chợ Đồng Đăng (thành phố Lạng Sơn - địa điểm “nóng” của các loại công cụ hỗ trợ xuất xứ từ Trung Quốc), khi được hỏi về súng bắn điện ngụy trang chiếc điện thoại di động, chủ một quầy hàng điện tử tại đây khẳng định đó là mặt hàng được khá nhiều người sử dụng ô tô hỏi mua do gọn nhẹ, có thể đặt dưới gầm ghế, hộc chứa đồ trong xe, giá bán dưới 1 triệu đồng, xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, loại giống iPhone 4 chưa xuất hiện, còn loại như điện thoại Nokia lại không có sẵn và phải đặt trước, nhận hàng sau ít nhất là 3 - 5 tiếng đồng hồ.
Dù vậy, nếu mua loại công cụ hỗ trợ khác là súng bắn điện ngụy trang dưới dạng chiếc đèn pin thì không khó, hàng luôn có sẵn ngay tại chợ Đồng Đăng. “Giá bán từ 400.000 đồng, có đủ loại kích cỡ”, người bán hàng này nói.
Tại một số gian hàng điện tử khác, phóng viên ICTnews cũng nhận được câu trả lời tương tự, các chủ quầy hàng khẳng định không dám bày bán bởi công an “siết” rất chặt.
Súng bắn điện ngụy trang móc khóa được bán trên mạng. |
Cũng từ khảo sát của ICTnews, tuy đến nay hoạt động kinh doanh roi điện, súng điện không còn rầm rộ như trước nhưng hiện trên mạng vẫn còn tình trạng rao bán bất chấp quy định cấm của luật pháp. Như tại trang Shop…, En…, Thegioi…, Muaban.., có bán loại súng bắn điện ngụy trang móc khóa xe hơi, đèn pin. Chẳng hạn như loại súng điện móc khóa xe Mercedes được quảng cáo xuất xứ từ Pháp có thể phát ra tia Plasma tần số 50 HZ biến tần 50.000 Hz khiến đối phương mất định hướng, bất tỉnh nhân sự…
Vận chuyển, sử dụng roi điện, súng điện bị phạt nặng
Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ban hành kèm nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 nêu rõ công cụ hỗ trợ bao gồm các loại roi điện, gậy điện, găng tay điện; bình xịt hơi cay, ngạt, độc…
Cùng đó, Nghị định số 73/2010/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội quy định: hành vi sử dụng, mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép công cụ hỗ trợ có thể bị phạt tới 12 triệu đồng; Bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép công cụ hỗ trợ.
Theo Phan Minh
ICTNews