Trong năm 2013, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) dự kiến tuyển khoảng 3.000 sinh viên hệ đại học chính quy vào 8 ngành đào tạo...
Trong năm 2013, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) dự kiến tuyển khoảng 3.000 sinh viên hệ đại học chính quy vào 8 ngành đào tạo ở cả 2 cơ sở đào tạo của trường tại Hà Nội và TP.HCM.
![]() |
Tính đến cuối năm 2012, tổng quy mô đào tạo của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đạt gần 30.000 sinh viên. (Trong ảnh: giờ thực hành của sinh viên Học viện). |
Kế hoạch và chỉ tiêu dự kiến tuyển sinh năm 2013 vừa được lãnh đạo PTIT - đơn vị thành viên của Tập đoàn VNPT chính thức công bố. Theo kế hoạch này, tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học, cao đẳng chính quy của Học viện trong năm nay là 4.450 chỉ tiêu, bao gồm 3.000 chỉ tiêu đại học, 750 chỉ tiêu cao đẳng, 600 chỉ tiêu hệ liên thông cao đẳng lên đại học và 200 chỉ tiêu hệ văn bằng 2.
Bên cạnh đó, trong tháng 4 và tháng 9/2013, Học viện sẽ tổ chức 2 đợt thi tuyển, xét tuyển trình độ thạc sĩ, tiến sĩ với chỉ tiêu dự kiến là 380 học viên cao học và 10 nghiên cứu sinh.
Ngoài ra, cũng trong năm nay, Học viện dự kiến sẽ tuyển sinh, xét tuyển khoảng 1.100 sinh viên đại học theo hình thức giáo dục từ xa; 1.600 sinh viên cao đăng nghề; và khoảng 1.500 sinh viên đại học cấp bằng vừa học vừa làm.
Đáng chú ý, năm nay, với việc mở thêm 2 ngành đào tạo mới là An toàn thông tin và Marketing, Học viện sẽ nâng tổng số ngành đào tạo đại học chính quy của trường lên 8 ngành, bao gồm: Kỹ thuật điện tử-truyền thông, Công nghệ kỹ thuật điện-điện tử, CNTT, Công nghệ đa phương tiện, An toàn thông tin, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Marketing.
Dự kiến, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của hai ngành đào tạo mới là 280 sinh viên ngành Marketing và 150 sinh viên ngành An toàn thông tin. Trong khi ngành Marketing tuyển sinh và đào tạo ở cả 2 cơ sở của Học viện tại Hà Nội và TP.HCM, thì năm 2013, Học viện dự định chỉ tuyển sinh và đào tạo ngành An toàn thông tin tại cơ sở đào tạo Hà Nội.
Đại diện Học viện cho biết, theo học ngành Marketing, bên cạnh việc được cung cấp các kiến thức chung, cơ bản của khối ngành Kinh tế, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về Marketing như: nghiên cứu Marketing, quản trị thương hiệu, Marketing quốc tế, Marketing công nghiệp, truyền thông Marketing tích hợp, Internet Marketing… Mục tiêu của Học viện là đào tạo ra các cử nhân ngành Marketing có khả năng đảm nhận tốt các vị trí: chuyên viên marketing tổng hợp; chuyên viên phát triển trị trường; chuyên viên nghiên cứu, phân tích thị trường; chuyên viên phụ trách các hoạt động truyền thông marketing của các doanh nghiệp…
Đối với ngành An toàn thông tin, chương trình đạo tạo sẽ gồm kiến thức chung của ngành CNTT và được bổ sung thêm những kiến thức cơ bản, cơ sở của ngành An toàn thông tin như: kỹ thuật lập trình, công nghệ mạng, kiến trúc máy tính và hệ điều hành, cơ sở dữ liệu, công nghệ phần mềm, mật mã cơ sở… Trên nền tảng kiến thức cơ bản, các sinh viên ngành An toàn thông tin sẽ được tập trung nghiên cứu các kiến thức chuyên sâu về An toàn thông tin gồm: kỹ thuật mật mã, an toàn mạng máy tính, an toàn hệ điều hành, an toàn cơ sở dữ liệu, an toàn các ứng dụng Web và Internet, an toàn trong giao dịch và thương mại điện tử, các kỹ thuật tấn công và xâm nhập mạng… nhằm đào tạo họ trở thành các chuyên gia an ninh mạng, chuyên gia an ninh thông tin, an ninh hệ thống, quản trị mạng cao cấp.
Theo kế hoạch, các thí sinh đăng ký dự tuyển vào hệ đại học, cao đẳng chính quy của Học viện năm nay sẽ tham gia kỳ thi tuyển sinh dự kiến diễn ra trong các ngày 3, 4, 5/7/2013, theo như lịch thi chung của Bộ GD-ĐT. Tháng 9/2013, trường sẽ thực hiện xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào các ngành đào tạo đại học, cao đẳng chính quy năm 2013.
Thống kê của Học viện cho thấy, năm 2012, số lượng đăng ký dự thi vào Học viện vẫn đạt mức ổn định như các năm trước là trên 8.000 hồ sơ, tăng 9% so với năm 2011. Số thí sinh trúng tuyển và nhập học đạt 3.430 sinh viên, bằng 116,2% so với chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy được giao.
Theo ICTNews