Zalo, Line, Kakao Talk, Wala, Wechat đang chạy đua quyết liệt tới mục tiêu 2 triệu người dùng, để đạt được khả năng phát tán tự nhiên như Fa...
Zalo, Line, Kakao Talk, Wala, Wechat đang chạy đua quyết liệt tới mục tiêu 2 triệu người dùng, để đạt được khả năng phát tán tự nhiên như Facebook tại Việt Nam.
Các ứng dụng nhắn tin đang chạy đua đạt cột mốc 2 triệu người dùng. |
Trong số các ứng dụng nhắn tin miễn phí trên điện thoại di động, Wechat chính thức có mặt sớm nhất trên thị trường Việt Nam (tháng 4/2012). Tencent – công ty Trung Quốc sở hữu Wechat thuê nhiều sao ca nhạc của Việt Nam quảng bá rầm rộ cho ứng dụng này và số lượng người dùng đã gần đạt con số 1 triệu vào cuối năm 2012.
Tới tháng 8/2012, Zalo - sản phẩm của một công ty Việt Nam mới ra mắt phiên bản thử nghiệm và có một khoảng cách khá xa với Wechat. Đầu năm 2013, sau khi ra phiên bản mới kèm theo những chương trình quảng bá lớn, Zalo có bước đột phá với lượng người dùng vọt lên gần 500.000 người và đứng số 1 trên bảng xếp hạng App Store dành cho các ứng dụng mạng xã hội tại Việt Nam.
Đến ngày 30/1/2013, thị trường ứng dụng nhắn tin miễn phí tại Việt Nam có một sự thay đổi lớn. Wechat bị phát hiện có tích hợp bản đồ “Đường lưỡi bò” trong sản phẩm và ứng dụng này bị tẩy chay hàng loạt tại Việt Nam, lượng người dùng Wechat tụt dốc không phanh.
Bản đồ tăng trưởng của các ứng dụng nhắn tin miễn phí trên gian hàng App Store. |
Cùng thời điểm với cú “đột quỵ” của Wechat, 2 ứng dụng nhắn tin miễn phí của Hàn Quốc là Line và Kakao Talk đồng loạt đổ bộ vào Việt Nam với các chương trình quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông. Bên cạnh đó, một ứng dụng nhắn tin miễn phí của Việt Nam khác là Wala cũng góp mặt trên thị trường.
Diễn biến thị trường có sự thay đổi chóng mặt khi cuối năm 2012, Kakao Talk tăng trưởng liên tục từ vị trí thứ 7 lên thứ 2; Line từ số 10 lên số 3, còn Zalo giữ vị tri số 1. Cho đến giữa tháng 2/2013, bảng xếp hạng các ứng dụng tin nhắn miễn phí trên di động đã có sự thay đổi nhỏ, vị trí số 1 vẫn thuộc về Zalo với gần 1 triệu người dùng, nhưng thứ 2 là Line và Kakao Talk đã xuống thứ 9 trên bảng xếp hạng App Store.
Cuộc đua 2 triệu
Ngay trước Tết, 3 ứng dụng lớn nhất trên thị trường ứng dụng tin nhắn miễn phí tại Việt Nam đều tung ra các chương trình khuyến mại và quảng bá cực lớn. Sau khi Wechat bị loại khỏi cuộc chơi, tất cả các đối thủ đều tăng hết tốc lực vì cơ hội vẫn còn lớn dành cho mọi người.
Kakao Talk và Line cùng tung ra chương trình chúc Tết với bộ sticker dành riêng cho thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, Kakao Talk còn được hưởng lợi từ làn sóng Hàn Quốc đang thịnh hành tại Việt Nam. Trong khi đó, Zalo lại tung ra các chương trình chúc Tết trúng iPhone 5, kèm theo các hình ảnh, lời chúc mang đậm bản sắc Việt Nam với danh hài Hoài Linh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Đan Trường…
Trong số này, chỉ có Wala khá yên ắng với ứng dụng này do một nhóm cá nhân phát triển và chưa có nhà đầu tư đủ tiềm lực để tăng tốc trong cuộc chiến marketing cũng như tính năng sản phẩm.
Trong khi các đối thủ như Line, Kakao Talk có thế mạnh là sản phẩm của công ty nước ngoài lớn, với tiềm lực tài chính hùng mạnh thì Zalo có lợi thế của sản phẩm thuần Việt, phù hợp với thị trường Việt Nam. So với các đối thủ, Zalo có ưu thế hơn hẳn khi hoạt động tốt trên mạng 2G và 2,5G cùng những dòng điện thoại chạy Symbian và Nokia, còn Line và Kakao Talk chỉ hoạt động tốt trên smartphone với 3G và Wifi. Bên cạnh đó, tốc độ nhắn tin của Zalo nhanh hơn hẳn vì đặt máy chủ tại Việt Nam và thiết kế đặc thù cho các hạ tầng mạng di động trong nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia về ứng dụng trên mạng xã hội, nếu đối thủ nào đạt được lượng người dùng 2 triệu trở lên thì sẽ trở thành người chiến thắng, bởi đó là mức có khả năng tự phát tán như Facebook với ứng dụng nhắn tin miễn phí. Cũng chính vì thế, khi Zalo đạt gần 1 triệu người dùng vào giữa tháng 2/2013, Line và Kakao Talk tiến hành những chiến dịch quảng bá “điên cuồng” để chạy đua thu hút người dùng. Ai sẽ trở thành người chiến thắng?
Theo Dân Trí