Nhằm mục tiêu đưa Internet tốc độ cao đến tất cả các vùng nông thôn vào năm 2020, chính phủ Mỹ đã tiến hành xây dựng và mở rộng hạ tầng băng...
Nhằm mục tiêu đưa Internet tốc độ cao đến tất cả các vùng nông thôn vào năm 2020, chính phủ Mỹ đã tiến hành xây dựng và mở rộng hạ tầng băng rộng đến các khu vực này. Song dự án đưa băng rộng về nông thôn của Mỹ đang gặp rủi ro...
Quảng cáo về dịch vụ Internet tốc độ cao tại vùng nông thôn Mỹ. |
Chi 8 tỷ USD, nhưng.
Chính phủ Mỹ đã quyết định chi gói hỗ trợ công ích 8 tỷ USD để mở rộng hạ tầng băng rộng đến các vùng nông thôn, nhưng các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng băng rộng tại nông thôn Mỹ đang giận dữ với những bất ổn tài chính trong Quỹ cung cấp viễn thông công ích của Mỹ. Điều này có thể khiến những cố gắng để nâng cao chất lượng và số lượng người dân truy cập Internet tốc độ cao ở nông thôn nước Mỹ có thể bị chậm lại, thậm chí dừng hẳn.
Hiệp hội Viễn thông bang Wisconsin, một tổ chức đại diện cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông ở vùng sâu vùng xa, cho biết một nửa các công ty thành viên của họ đang trì hoãn hoặc xóa bỏ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông vì những thay đổi trong chính sách hỗ trợ 8 tỷ USD của Ủy ban Viễn thông Mỹ (FCC) đối với Quỹ dịch vụ công ích trong xóa bỏ khoảng cách số.
Mục tiêu của FCC là đưa Internet tốc độ cao đến tất cả các vùng nông thôn nước Mỹ vào năm 2020. Một phần trong số tiền quỹ để xây dựng dự án này đến từ mức phí sử dụng điện thoại hàng tháng của các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cho biết các thay đổi gần đây trong chính sách của Quỹ dịch vụ công ích và chương trình Đền bù giữa các nhà mạng khiến họ không thể dự đoán nổi bao nhiêu tiền sẽ được dùng để trợ cấp cho các dự án băng rộng nông thôn. Điều này khiến họ chần chừ đầu tư vào việc mở rộng cơ sở hạ tầng trị giá hàng triệu USD.
Ở một số khu vực, Quỹ dịch vụ công ích của Mỹ đã tài trợ cho khoảng 50% dự án mở rộng cơ sở hạ tầng đến vùng nông thôn. Tuy nhiên, việc tài trợ trong thời gian tới đang gặp nhiều bất ổn vì sự thay đổi chính sách của FCC. Kết quả là các dự án bị đặt vào tình thế “rủi ro lớn”, theo Shirley Bloomfield, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Hợp tác Viễn thông Quốc gia. Không có sự hỗ trợ của chính phủ, các nhà cung cấp vốn tư nhân có thể rút khỏi dự án này.
Nguy cơ thành dự án "treo"
FCC cho biết những việc tiến hành các cải tổ trong chính sách hỗ trợ dịch vụ công ích đã áp dụng từ tháng 11 năm ngoái là cần thiết, nếu không Quỹ dịch vụ công ích sẽ trở nên không hiệu quả và lãng phí. Theo ông Sharon Gillett, người đầu năm nay đã từ chức Giám đốc Cục Cạnh tranh của FCC, những thay đổi trong chính sách “đặt ra trách nhiệm tài chính lâu dài và các biện pháp đảm bảo tin cậy”, vì thế cũng hạn chế việc sử dụng quỹ.
Trong khi đó, các nhà cung cấp viễn thông cho biết họ lo lắng về việc trì hoãn hay xóa bỏ các dự án mở rộng ở khu vực nông thôn, vì những thay đổi chính sách của FCC khiến họ gần như không thể dự đoán số tiền quỹ hỗ trợ là bao nhiêu. Họ lo ngại về những yêu cầu mới của FCC trong cái gọi là “hỗ trợ liều lĩnh” nếu có một công ty nào vượt quá mức vốn và chi phí tác nghiệp đặt ra.
TDS Telecommunications Corp., một công ty viễn thông ở Madison, đang xem xét lại các dự án mở rộng ra vùng nông thôn. Andrew Petersen, Phó Chủ tịch phụ trách các quan hệ chính phủ và truyền thông của TDS nói: “Chúng tôi đã đầu tư rất mạnh để hạ tầng băng rộng đến với nhiều vùng nhất có thể. Nhưng trong năm 2013 và sau này, tất cả các dự án sẽ thiếu vốn để bảo dưỡng và quản trị mạng lưới”.
Còn hãng Marquette-Adams Telephone Cooperative thì đặt mọi dự án vào tình trạng “treo”. “Một số dự án, tôi không chắc là sẽ đi đến cùng được”, Jerry Schneider, Giám đốc điều hành của công ty nói.
Tổng hợp
Nội dung đăng trên Báo Bưu điện Việt Nam số 146 ra ngày 5/12/2012