Nhà sáng lập website WikiLeaks, Julian Assange, khẳng định các tài liệu mật liên quan đến mọi quốc gia trên thế giới sẽ được công bố vào năm...
Nhà sáng lập website WikiLeaks, Julian Assange, khẳng định các tài liệu mật liên quan đến mọi quốc gia trên thế giới sẽ được công bố vào năm 2013.
Xuất hiện trên ban công Đại sứ quán Ecuador ở London - Anh tối 20/12, nhà sáng lập website WikiLeaks Julian Assange, 41 tuổi, tuyên bố rằng ông ta sẵn sàng đối thoại để chấm dứt chuỗi ngày tị nạn. Tuy nhiên, ông Assange cam đoan sẽ ở lại đây cho đến khi không còn bị đe dọa từ phía nhà chức trách Mỹ.
Ông Julian Assange đọc bài phát biểu ngày 20/12 - Ảnh: Reuters. |
Hãng tin Reuters xác nhận có khoảng 200 người ủng hộ nghe ông Assange phát biểu. Đây là lần thứ hai ông ta xuất hiện và phát biểu trên ban công Đại sứ quán Ecuador kể từ khi xin tị nạn tại đây vào tháng 6 năm nay để tránh bị trục xuất sang Thụy Điển vì các cáo buộc tấn công tình dục. Ông Assange nhấn mạnh: “Cách đây 6 tháng, chính xác là 185 ngày, tôi đã bước vào tòa nhà này. Ở đây đã trở thành mái ấm của tôi, văn phòng và là nơi tị nạn của tôi. Nhờ vào lập trường của chính phủ Ecuador và sự ủng hộ của nhân dân nước này, tôi được an toàn trong sứ quán và phát biểu từ nơi đây… Mặc dù tự do bị hạn chế, ít nhất là tôi còn có thể bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình trong dịp lễ Giáng sinh này”.
Rõ ràng, bài phát biểu nhân dịp lễ Giáng sinh của ông Assange chứa đựng sự hi vọng và lạc quan nhất định. Ông ta dường như đang trong trạng thái phấn chấn khi đọc bài phát biểu chuẩn bị sẵn với đám đông ủng hộ cầm nến và đánh trống dưới sự theo dõi chặt chẽ của lực lượng cảnh sát có mặt bên ngoài sứ quán. Assange nói: “Cánh cửa đang mở ra và luôn luôn rộng mở cho bất cứ ai mong muốn áp dụng những thủ tục pháp lí chuẩn mực để đối thoại với tôi hoặc bảo đảm cho tôi được chuyển ra khỏi đây một cách an toàn”.
Ông Assange gọi năm 2012 là một năm đồ sộ đối với WikiLeaks. Đồng thời, ông ta nói rằng vào năm 2013, website này sẽ công bố 1 triệu tài liệu mật. Theo hãng tin CBC (Canada), ông Assange khẳng định: “Các tài liệu này ảnh hưởng đến mọi quốc gia trên thế giới”. Ông quả quyết: “Dân chủ là sự phản kháng của nhân dân đã được trang bị sự thật khắp mọi nơi, từ Quảng trường Tahrir ở Ai Cập cho đến tận London này”.
Assange lo ngại việc trục xuất sang Thụy Điển cuối cùng sẽ dẫn đến tình huống ông ta bị đưa sang Mỹ, đất nước hiện đang phẫn nộ vì WikiLeaks đã tiết lộ hàng trăm ngàn tài liệu ngoại giao và quân sự mật của họ. Thực ra, ông Assange đã quá mệt mỏi với tất cả mọi biện pháp pháp lí tại các tòa án ở Anh trong 2 năm qua nhằm chống lại việc bị trục xuất sang Thụy Điển và cuối cùng, ông ta đã xin tị nạn vô thời hạn trong sứ quán Ecuador ở Anh. Lâu nay, Assange vẫn cho rằng việc trục xuất có thể dẫn đến chỗ ông ta bị bàn giao cho nhà chức trách Mỹ và sẽ bị trừng phạt vì website WikiLeaks đã công bố 250.000 tài liệu mật của Mỹ vào năm 2010.
Theo Người Lao Động