Dùng Internet ở quốc gia bí ẩn nhất thế giới sẽ như thế nào? Câu trả lời là "rất lạ", ít nhất là so với những tiêu chuẩn của các n...
Dùng Internet ở quốc gia bí ẩn nhất thế giới sẽ như thế nào? Câu trả lời là "rất lạ", ít nhất là so với những tiêu chuẩn của các nước khác trên thế giới.
Một binh sĩ Triều Tiên đọc tin tức trên máy tính. Ảnh: Nknews.org. |
Có khá nhiều điều "lạ kì" trong các trang web chính thức của Triều Tiên, có những chương trình đặc biệt tự động chèn vào mỗi trang. Chức năng này đơn giản nhưng vô cùng quan trọng. Mỗi khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un được nhắc đến, tên của ông được tự động được hiển thị đậm hơn và to hơn những kí tự xung quanh. Không to hơn nhiều nhưng đủ để làm nó nổi bật.
Đó chỉ là một khía cạnh nhỏ của cái gọi là "Internet" ở Triều Tiên. Tại một đất nước mà nhà nước kiểm soát mọi nguồn tin mà người dân tiếp cận thì Internet được quyết định theo ý muốn của nhà nước, nhưng có một niềm tin rằng sự kiểm soát sẽ ngày càng được nới lỏng.
"Chính phủ sẽ không thể kiểm soát được tất cả thông tin liên lạc như trước được nữa. Đây là một tín hiệu của sự phát triển", Scott Thomas Bruce, một chuyên gia nghiên cứu và từng viết nhiều sách về Triều Tiên, cho biết.
Máy tính tại các quán cafe Internet ở Triều Tiên không chạy trên hệ điều hành Windows mà là Red Star, hệ điều hành do Triều Tiên xây dựng, được thông báo là do chính cố lãnh đạo Kim Jong-il viết ra. Một file readme cài đặt sẵn sẽ cho bạn biết tầm quan trọng của hệ điều hành này đối với đất nước.
Lịch ở trên máy tính của Triều Tiên không hiện năm 2012 mà là năm 101, tức số năm từ lúc cố chủ tịch Kim Nhật Thành được sinh ra. Ông Kim Nhật Thành là người khai sinh ra CHDCND Triều Tiên và được tôn là chủ tịch vĩnh viễn của đất nước.
Những người dân bình thường không có quyền truy cập Internet. Đặc quyền này dành cho một số ít những quan chức trong nước, được biết đến như giới tinh hoa, cùng một số nhà khoa học và học giả.
Ông Kim Jong-il thăm quan một thư viện được trang bị máy tính lúc sinh thời. Ảnh: Ifeng. |
Những gì họ thấy về Internet là một mạng lưới hạn hẹp và thiếu chiều sâu, mang tính chất của một mạng nội bộ hơn là một mạng lưới toàn cầu mà những người dùng Internet còn lại trên thế giới được chứng kiến. "Hệ thống mà họ cài đặt giúp nhà nước có thể kiểm soát và chặn đứng Internet khi cần thiết", ông Bruce nói.
Hệ thống này gọi là Kwangmyong, do nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ Internet duy nhất, quản lí. Theo ông Bruce, nó chủ yếu bao gồm "bảng tin nhắn, chức năng trò chuyện và thông tin truyền thông của nhà nước". Do đó, không hề ngạc nhiên khi ở đây không có mạng xã hội như kiểu Twitter.
Hệ điều hành Red Star cho phép người dùng lướt web trên trình duyệt Naenra, tên của cổng thông tin online của nhà nước. Cổng thông tin này có cả phiên bản tiếng Anh. Các trang web tiêu biểu là trang phục vụ tin tức như Tiếng nói Triều Tiên và Rodong Sinmun (Tin tức Lao động), cơ quan truyền thông của đảng Lao động Triều Tiên.
Ngoài mạng nội bộ Kwangmyong, một vài người Triều Tiên có quyền đọc mạng Internet đầy đủ, không bị lọc, tuy nhiên số người này được cho là chỉ vài chục người, là những người có liên hệ trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Sự miễn cưỡng của Triều Tiên khi kết nối người dân với các trang web, nay bị lung lay nhiều, bởi một sự thật rằng vì yêu cầu kinh tế, nước này cần phải mở cửa để tiếp tục sinh tồn.
Trong khi Trung Quốc có hệ thống "tường lửa" khét tiếng, một thời gian chặn truy cập vào những trang web của BBC hay Twitter, thì công nghệ của Triều Tiên được mô tả là "mạng lưới chống muỗi", chỉ cho phép những thông tin tối thiểu vào và ra khỏi đất nước.
Tuy nhiên mạng lưới này có những lỗ hổng đối với điện thoại di động.
Điện thoại di động
Điện thoại di động ở Triều Tiên không thể gọi ra nước ngoài và không thể kết nối Internet. Ảnh: BCC. |
Tuy Triều Tiên có một mạng điện thoại di động chính thức, không thể gọi ra nước ngoài, nhưng nước này đang ngày càng có nhiều điện thoại di động của Trung Quốc, nhập lậu qua đường biên giới. Các thiết bị cầm tay thường chỉ hoạt động trong phạm vi 10 km ở biên giới Trung-Triều nhưng cũng không phải không có những nguy cơ rình rập khi sử dụng.
Trong báo cáo mang tên "Sự mở cửa thầm lặng", các tác giả đã phỏng vấn 420 người trưởng thành rời khỏi Triều Tiên. Những câu chuyện của họ vẽ nên bức tranh về mạng di động của nước ngày, với những người dân dùng điện thoại di động trái phép.
"Để chắc chắn rằng các tần số điện thoại không bị theo dõi, tôi đổ một chậu đầy nước và đội nắp của nồi cơm điện lên đầu khi tôi thực hiện cuộc gọi", một người đàn ông 28 tuổi rời khỏi Triều Tiên tháng 11/2010 cho biết.
Dịch vụ điện thoại di động của Triều Tiên cung cấp kết nối 3G nhưng không có Internet. "Tôi không biết nó có hoạt động hay không nhưng tôi không bao giờ bắt được". Trong khi nghi ngờ của người đàn ông kể trên còn chưa được giải đáp thì nỗi sợ hãi của ông là có thật. "Sở hữu điện thoại di động bất hợp pháp là một tội rất lớn. Chính quyền đã mua thiết bị cảm biến để thử nghiệm và theo dõi những người sử dụng", ông Bruce nói.
"Nếu bạn sử dụng chúng, bạn phải sử dụng ở trong khu vực đông dân cư và phải sử dụng trong khoảng thời gian ngắn", người trả lời phỏng vấn cho biết.
Trong quá trình lãnh đạo, ông Kim Jong-il từng trình diễn hàng trăm chiếc xe tăng trên đường phố để thể hiện năng lực quân sự thiên tài. Các nhà quan sát cho rằng con trai ông, Kim Jong-un sẽ mang những tiến bộ công nghệ về cho cuộc sống của những người dân. Mỗi bước đi của quá trình này mang đến cho người dân Triều Tiên những điều mà họ chưa từng có trước đó, những thông tin thực về thế giới bên ngoài.
Theo VnExpress/BBC