Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đang đồng loạt nâng cước kết nối điện thoại quốc tế chiều về từ 2,6 cent (540 đồng) lên 5,1 cent (1.000...
Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đang đồng loạt nâng cước kết nối điện thoại quốc tế chiều về từ 2,6 cent (540 đồng) lên 5,1 cent (1.000 đồng)/phút. Việc nâng cước này, các doanh nghiệp viễn thông đã làm lợi cho Việt Nam khoảng 1.600 tỷ đồng/năm.
Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đang đồng loạt nâng cước kết nối điện thoại quốc tế chiều về từ 2,6 cent lên 5,1 cent /phút. |
Kết quả bất ngờ!
Câu chuyện các doanh nghiệp viễn thông phá giá cước kết nối dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về đã là "căn bệnh" dai dẳng của viễn thông Việt Nam trong khoảng 1 thập kỷ nay. Đã có vài lần các doanh nghiệp cùng cung cấp dịch vụ muốn liên kết với nhau để tránh vấn nạn phá giá, nhưng chỉ một thời gian ngắn chính họ lại phá bỏ cam kết. Lãnh đạo một doanh nghiệp viễn thông đưa ra hình ảnh khá điển hình: "Trên bàn họp các doanh nghiệp viễn thông thống nhất không giữ giá dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về, nhưng bước ra khỏi phòng họp đã tính chuyện phá giá để thu lợi cho mình.Vì vậy, phá giá dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về giống như thứ "bệnh kinh niên" của thị trường này".
Trước vấn đề trên, cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra các biện pháp để tránh tình trạng phá giá dịch vụ. Thế nhưng, vì lợi nhuận và việc khai thác quá dễ dàng đã khiến cho chính sách không được các doanh nghiệp thực thi. Chẳng hạn, ngày 2/3/2011, Bộ TT&TT đã đưa ra mức giá cho dịch vụ VoIP quốc tế chiều về là 855 đồng/phút (khoảng 4,1 cent), hành vi bán dưới 15% mức giá này được xem là phá giá. Nhưng sau đó giá dịch vụ kết nội điện thoại quốc tế chiều về rớt giá thê thảm hơn chỉ còn 2,6 cent/phút, chạm đến giá thành.
Trong cuộc trao đổi với báo Bưu điện Việt Nam mấy tháng trước đây cả VNPT và Viettel tỏ ra khá mệt mỏi với câu chuyện này. Thậm chí ở góc độ nào đó hai "đại gia" này còn có ý buông xuôi để mặc thị trường rối ren, sau khi những nỗ lực để giữ giá không thành. Một lãnh đạo của VNPT cho hay là không tin tưởng vào chuyện có thể ngồi với nhau để xử lý vấn đề vì nó diễn ra suốt 10 năm qua. “Các doanh nghiệp nhỏ phá giá dịch vụ nhưng cho dù thế nào thì họ vẫn phải kết nối vào mạng công cộng của VNPT và Viettel nên hành động phá giá quá mức sẽ không còn tồn tại trên thị trường. Đành rằng VNPT và Viettel có thiệt hại nhưng cũng thu được tiền kết nối của các doanh nghiệp nhỏ”, vị lãnh đạo nói.
Tháng 9/2012, Báo Bưu điện Việt Nam đăng tải loạt bài về quyền lợi quốc gia đang bị thiệt hại nghiêm trọng khi các doanh nghiệp đua nhau phá giá. Nếu chỉ tính mức giá ở thời điểm thấp nhất với giá mà Bộ TT&TT quy định thì mỗi năm Việt Nam mất khoảng hơn 900 tỷ đồng. Ngay sau đó, tháng 10/2012, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các đơn vị họp với những doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ này để chặn việc đua nhau phá giá dịch vụ.
Tại buổi họp với Bộ TT&TT, các doanh nghiệp cũng đã đưa ra nhiều chính sách để xử lý vấn đề đó. Ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho rằng để quản lý được vấn đề giá thì phải siết chặt quản lý bằng cách chia quota (hạn mức) bằng kênh kết nối của Viettel và VNPT. Sau đó, Viettel và VNPT bắt đầu thực hiện chính sách này và đã đẩy giá cước dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về tăng liên tục. Đây là điều khá bất ngờ bởi trước đó ngay chính hai "đại gia" này cũng không tin vào khả năng thực hiện được việc chống phá dịch vụ chứ chưa nói gì đến chuyện tăng cước.
Liên tục nâng được giá
Theo thông báo mới nhất từ phía Viettel, doanh nghiệp này bắt đầu nâng giá dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về lên 5,1 cent/phút. Động thái trên được đưa ra sau khi Viettel và VNPT chủ động nâng cước dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về từ 2,6 cent, 3,5cent và gần đây nhất là 4,1 cent. Một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về cũng đã xác nhận với báo Bưu điện Việt Nam rằng họ cũng đã nâng cước kết nối lên 5,1 cent và cả thị trường đang chuyển sang mức giá này.
Theo phân tích của các chuyên gia, so sánh mức cước mới với mức cước ở khoảng thời điểm tháng 9/2012 thì các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam đã nâng lên được 2,5 cent/phút. Hiện lưu lượng chiều về Việt Nam mỗi năm bình quân là 3 tỷ phút. Nếu các doanh nghiệp làm theo giá ổn định ở mức 5,1 cent/phút thì ngoại tệ mang về mỗi năm là 153 triệu USD. Nhưng khi giá chỉ bán được 2,6 cent/phút thì số tiền mang về một năm cho các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam chỉ là 78 triệu USD. Như vậy, với mức giá này mỗi năm Việt Nam đã có thêm khoảng 75 triệu USD (tương đương với 1.600 tỷ đồng/năm).
Đây là số tiền không nhỏ đối với Việt Nam sau khi chặn được việc phá giá và bắt đầu nâng giá dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về. Một chuyên gia viễn thông nhận định số tiền 1.600 tỷ đồng/năm có thể xây được 1.000 ngôi trường mới cho các xã ở địa phương nghèo. Song đáng tiếc là số tiền đó đã chảy vào túi các hãng viễn thông nước ngoài đến cả thập kỷ nay chỉ vì các doanh nghiệp trong nước không bắt tay được với nhau.
Tại cuộc họp mới đây với các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho hay, có công ty tư vấn nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm rằng có thể đưa cước kết nối VoIP quốc tế chiều về của Việt Nam lên 10 đến 12 cent/phút. Tuy nhiên, muốn làm được như vậy thì phải siết chặt quản lý không cho các doanh nghiệp đua nhau phá giá.
Thái Khang
Nội dung đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 150 ra ngày 14/12/2012