Trong khi nhà mạng không được kiểm soát nội dung tin của các thuê bao thì SIM trả trước kích hoạt sẵn với tài khoản lớn được bán tràn lan, c...
Trong khi nhà mạng không được kiểm soát nội dung tin của các thuê bao thì SIM trả trước kích hoạt sẵn với tài khoản lớn được bán tràn lan, cùng với các dịch vụ ưu đãi là nguyên nhân chính gây ra nạn nhắn tin rác.
6 năm kể từ ngày Chính phủ ban hành Nghị định 90 về chống thư rác, người có nhu cầu vẫn dễ dàng tới cửa hàng mua thẻ SIM trả trước giá rẻ đã kích hoạt, có sẵn tài khoản "khủng". Các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo, tiếp thị trên di động cũng chỉ việc thu mua những loại SIM này để spam tin nhắn tới các chủ thuê bao.
"Thuê bao nào bị tố quấy rối, nhà mạng cùng lắm là cắt liên lạc số đó, hủy số để tái sử dụng sau, chứ không làm được gì hơn. Việc truy chính xác ai là chủ nhân của SIM để xử phạt gần như không thể", một chuyên viên của nhà mạng cho biết.
Các gói cước ưu đãi của nhà mạng cũng vô tình tạo kẽ hở, "tiếp tay" cho những đối tượng có nhu cầu quảng cáo trên di động mà không phải tốn kém nhiều. Hiện cả 3 nhà mạng lớn là Vinaphone, Mobifone, Viettel đều có gói học sinh, sinh viên, hay dịch vụ nhắn tin theo nhóm người dùng. Hình thức này cho phép thuê bao nhắn đến nhóm từ 5 đến 30 người cùng mạng với chi phí rẻ hơn bình thường.
Ví dụ, Mobifone có dịch vụ cho phép nhắn tin đến nhóm 10 người chỉ với 1.500 đồng một tin, tương đương 150 đồng mỗi tin nhắn. Viettel và Vinaphone cung cấp ưu đãi tương tự, nhưng mở rộng lên tới 30 người với chi phí 3.000 đồng một tin. Hay rẻ hơn nữa là các gói ưu đãi theo ngày dành cho việc nhắn tin nội mạng giữa các thuê bao, với số tiền chỉ từ 2.500 đồng đến 3.000 đồng là có cả vài chục đến khoảng 200 tin nhắn SMS.
SIM thuê bao trả trước với tài khoản lớn được bán tràn lan trên phố. Ảnh: Anh Quân. |
Không chỉ đơn vị quảng cáo, tiếp thị nội dung, các "cò SIM" cũng áp dụng mánh này để chào bán số đẹp. Theo nguyên tắc, nhà mạng không được tự ý cắt liên lạc của các thuê bao, đặc biệt là những số có đăng kí chính chủ nên nhiều "cò" đã sử dụng chính SIM điện thoại của mình, vừa không tốn tiền mua SIM mới, lại có vẻ... chuyên nghiệp hơn vì số nhắn tin quảng cáo cũng thường là số đẹp. Chi phí nhắn tin cũng chỉ vài nghìn đồng mỗi ngày nếu sử dụng ưu đãi của nhà mạng, với lượng tin nhắn gửi đi nằm trong giới hạn của dịch vụ.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Bkav cho biết, đơn vị này vừa thực hiện khảo sát về hiện tượng tin nhắn rác trên 50.000 người dùng điện thoại di động trong tháng 10. Theo đó, mỗi ngày có khoảng 16.290 tin nhắn rác được gửi tới các thuê bao, mỗi người trung bình 3 ngày sẽ nhận một tin rác.
Căn cứ vào con số 30 triệu thuê bao thực của Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra, Bkav cho rằng một ngày có 9,8 triệu tin nhắn rác gửi đến người dùng di động. Tính giá cước tin nhắn trung bình giữa nội mạng và ngoại mạng là 300 đồng, thì một ngày nhà mạng thu về khoảng 3 tỉ đồng.
Đại diện Vinaphone cho biết đang nỗ lực để hạn chế tình trạng tin nhắn rác phát tán rộng do SIM trả trước bị lợi dụng. Mobifone cũng khẳng định sẽ không bỏ qua việc lợi dụng dịch vụ của nhà mạng để gửi tin nhắn rác. Tuy nhiên, về khoản tiền 3 tỉ đồng nêu trên, các nhà mạng đều không đưa ra lời bình luận nào.
Ông Sơn cho rằng khó có thể trách nhà mạng trong vấn đề tin nhắn rác. Theo ông, đơn vị cung cấp mạng di động không được biết nội dung tin nhắn giữa các thuê bao với nhau. Thêm vào đó, nhà mạng cũng khó để nhận ra tin nhắn nào người dùng muốn nhận hay không. "Chính điều này cũng gây khó khăn cho nhà mạng trong việc kiểm soát và quản lí tin nhắn rác".
"Theo quy định, tin nhắn quảng cáo phải thêm chữ QC ở đầu, nhưng hiện nay các đối tượng gửi tin nhắn rác không làm điều này. Thực ra không riêng Việt Nam mà nước ngoài cũng gặp tình trạng như vậy", ông Sơn chia sẻ thêm.
Hiện tại, các nhà mạng đều có hệ thống chặn tin nhắn rác, hoạt động bằng cách ngăn thuê bao nhắn tin ồ ạt mà vượt quá số lượng cho phép trong một lần gửi (thường là trên 100 hoặc 200 tin). Nắm bắt được nguyên tắc này, các đối tượng thường "luồn lách" bằng việc nhắn một lần vài chục tin rồi tắt máy. Trường hợp tin nhắn được gửi đi từ phần mềm trên máy tính và qua mạng Internet thì nhà mạng không can thiệp được.
Tuy nhiên, câu chuyện về quản lí nội dung quảng cáo, chào mời gây khó chịu cho người dùng di động không bắt đầu từ tin, thư rác. Theo một lãnh đạo của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCert, đơn vị chủ quản tổng đài 456 chuyên xử lí tin nhắn rác), việc quản lí thuê bao trả trước cũng quan trọng. "Từ SIM rác mới có chuyện lợi dụng để gửi tin nhắn rác đến người dùng", ông nói.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã có hai thông tư là 04 (tháng 4/2012) và 14 (tháng 10/2012) về việc quản lí đăng kí và hòa mạng thuê bao di động nhằm hạn chế tối đa tin nhắn rác. Ngày 5/10, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 77 bổ sung, sửa đổi một số điều của Nghị định 90 về chống thư rác nêu rõ đơn vị cung cấp quảng cáo hay nhà mạng nhắn quá một tin quảng cáo đến thuê bao trong một ngày sẽ bị phạt.
Theo VnExpress