Mỗi chiếc máy tính bảng Trung Quốc được bán tại Việt Nam có giá đắt gấp đôi so với giá gốc. Chưa kể, nhà sản xuất còn có những chiêu "b...
Mỗi chiếc máy tính bảng Trung Quốc được bán tại Việt Nam có giá đắt gấp đôi so với giá gốc. Chưa kể, nhà sản xuất còn có những chiêu "biến hóa" thông số sản phẩm để "móc túi" những người ham của rẻ.
Một chủ buôn có số điện thoại 091xxxxx82 cho hay, mỗi máy tính bảng nhập từ Trung Quốc có giá 1,3 đến 1,8 triệu đồng, mức chiết khấu cho khách mua buôn là 200 nghìn đồng một sản phẩm, với các máy có giá trị cao hơn, mức chiết khấu có thể tới 400 đến 500 nghìn đồng.
Theo ghi nhận của Số Hóa, máy tính bảng loại này đắt nhất cũng chỉ có giá trên 5 triệu đồng, như vậy, trung bình mỗi máy có tỷ lệ chiết khấu từ 10 đến 15% giá bán. Thực tế, tỷ lệ này, vẫn còn chênh rất xa so với giá nhập vào của các chủ buôn.
Đơn cử chiếc Hipad Mid A13, chủ buôn nói trên niêm yết giá là 1,550 triệu đồng, nhưng thực tế, sản phẩm được rao bán trên trang mua bán trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc, Alibaba.com, chỉ 30 đến 45 USD (tức khoảng 600 – 900 nghìn đồng, giá dao động tùy thuộc số lượng đơn hàng). Hay như máy Onda V971 được rao trên Alibaba là 150 đến 190 USD trong khi các cửa hàng trong nước giá là 4,8 triệu đồng. Tương tự, một model có mã hiệu Ampe A85 chỉ 100 – 110 USD nếu mua 10 chiếc; nếu đơn hàng 500 chiếc giá chỉ còn 71 đến 82 USD, trong khi đó, giá bán lẻ tại Việt Nam khoảng 3,3 triệu đồng.
Như vậy, khi về tới thị trường trong nước, giá mỗi chiếc máy tính bảng từ Trung Quốc bị đội lên 200%. Trừ các chi phí vận chuyển, bán hàng, tính sơ với mỗi sản phẩm này, dân buôn có thể bỏ túi vài trăm ngàn đến cả triệu đồng (với những máy giá trị lớn).
Máy tính bảng Hipad Mid A13 rao trên Alibaba.com chỉ 30 - 45 USD. |
Số lượng tên tuổi máy tính bảng Trung Quốc được bán tại Việt Nam ngày càng nhiều, có những tên riêng như Teclast, Onda, Ampe (loại này thường có website riêng). Cũng có loại sử dụng tên nhái hoặc mượn những thương hiệu nổi tiếng, như Window hay uPad…, thậm chí, có loại "copy" 100% từ tên tuổi đến mẫu mã, chủ yếu tập trung vào hai thương hiệu máy tính bảng được chuộng nhất hiện nay là iPad và Samsung. Với những sản phẩm loại này, dĩ nhiên không thể tìm được thông tin về nhà sản xuất.
Lão Bền, một tay buôn hàng điện tử Trung Quốc, chuyên "đổ" hàng cho các cửa hàng tại Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội, nói với phóng viên: “Đã định buôn hàng Trung Quốc thì không phải băn khoăn về máy vì cần loại gì cũng có, ít tiền nhiều tiền, kích cỡ… Nếu muốn lấy máy thì cứ đưa ra yêu cầu, mẫu chỉ để tham khảo thôi, kể cả muốn dập tên gì cũng được". Người này tiết lộ, thậm chí nếu lấy nhiều và muốn làm thương hiệu mới, ông ta có thể "đàm phán" với nhà sản xuất để bán "phá giá" thị trường với mục đích gây dựng tên tuổi. Ông ví dụ, một mẫu máy tính bảng Trung Quốc màn hình 8 inch đang bán ở các tỉnh miền Bắc, chip Cortex A13 1,2 GHz, RAM DDR3 512 MB, 2 camera, pin 5.000 mAh, chạy Android 4.0.4 giá thị trường khoảng 4 triệu đồng, nhưng nhờ ông "can thiệp" mà sản phẩm gắn thương hiệu Việt rồi bán với giá 2,29 triệu đồng. Theo lão Bền, giá thấp như vậy là để “làm thương hiệu”.
Điều này lý giải một phần vì sao ngày càng có nhiều người tham gia kinh doanh máy tính bảng Trung Quốc. Nhiều công ty mới cũng được thành lập với mục đích phân phối máy tính bảng theo thương hiệu riêng nhưng thực chất chỉ thay mỗi tên.
Đơn cử dòng máy MD 803 của một thương hiệu máy tính bảng Việt giống hệt dòng máy cùng tên của KNC cả về mẫu mã, cấu hình (8 inch, chip Allwinner A13, RAM 512 MB, bộ nhớ 8 GB). Máy này có giá trên Alibaba là 83 USD, được bán tại Việt Nam 4,6 triệu đồng và còn đang có chương trình giảm giá tới 50%. Hay máy tính bảng Momo của một thương hiệu trong nước khác cũng có nhiều điểm giống mới dòng Momo 9 cỡ 7 inch đã được người buôn đồ Trung Quốc giới thiệu chi tiết trên một diễn đàn công nghệ lớn tại Việt Nam, chỉ khác một chút về thông số camera trước là 1 megapixel trong khi Momo 9 là 1,3 megapixel, hỗ trợ thẻ nhớ tới 32 GB trong khi Momo 9 chỉ 16 GB. Chiếc Momo 9 có giá 91 đến 100 USD trên Alibaba, còn Momo “nội” được bán 2.480.000 đồng.
Nhân viên một công ty bán máy tính bảng Trung Quốc trả lời thắc mắc của khách hàng rằng “nhà máy của công ty đặt tại Trung Quốc, mọi hoạt động từ thiết kế, lên cấu hình, xây dựng thương hiệu, bán hàng do công ty ở đây phụ trách”.
Các thông số kỹ thuật của máy như dung lượng lưu trữ, pin… nhà sản xuất hoàn toàn có thể chỉnh được trước khi đưa máy vào hoạt động. |
Anh Nguyễn Việt Anh, nhân viên kinh doanh máy tính bảng lâu năm cho biết, có bốn yếu tố chi phối đến giá thành một chiếc máy tính bảng. Ba yếu tố đầu là màn hình (tùy thuộc độ phân giải, chủng loại LCD, IPS hay Retina và nhà sản xuất); chip và tính năng 3G (đắt nhất là loại hỗ trợ sim 3G). Những yếu tố này người mua có thể nhận thấy ngay. Nhưng với yếu tố thứ tư là bo mạch thì chỉ có “giải phẫu” mới biết được. Ở các máy rẻ tiền, nhà sản xuất thường tiết kiệm bằng cách thiết kế các bo mạch đơn giản, mối hàn cũng thô kệch, trong khi với các máy cao cấp hơn, các bo mạch đi kèm các tấm thép bảo vệ để giảm các sự cố khi máy bị va đập.
Theo anh Việt Anh, nhìn chung chip và RAM là hai yếu tố nhà sản xuất ít “ăn gian” vì ảnh hưởng đến việc tiếp thị sản phẩm, còn các chi tiết như màn hình (độ phân giải, số điểm cảm ứng), giắc cắm, khe kết nối thường bị "làm rối" vì những chi tiết này nếu chỉ xem qua lúc mua thì không thể biết được. Chỉ có thực tế sử dụng mới thấy rõ các chân cắm lỏng lẻo, dễ gẫy, bẹp hay chẳng may máy bị va đập, sóc sẽ gây lỏng các mối hàn, ảnh hưởng đến các tính năng của máy...
Theo Số Hóa