Dải Gaza lại nóng bỏng, không chỉ bom rơi đạn lạc mà lần đầu tiên, mạng xã hội Twitter được cả Israel lẫn Hamas sử dụng để thông tin. Chiến ...
Dải Gaza lại nóng bỏng, không chỉ bom rơi đạn lạc mà lần đầu tiên, mạng xã hội Twitter được cả Israel lẫn Hamas sử dụng để thông tin. Chiến tranh đến tận người dùng mạng xã hội một cách nhanh chóng và quá thực tế.
Ngày 14/11, Lực lượng Phòng thủ Quốc gia Israel (IDF) công bố thông qua tài khoản @IDFSpokesperson trên mạng xã hội Twitter, họ sẽ bắt đầu chiến dịch Pillar of Defense - cột trụ của phòng thủ, một chiến dịch tấn công toàn diện nhắm vào các thành viên chủ chốt của tổ chức Hamas. Tính chất kì lạ của sự kiện này làm rúng động mạng internet.
Trải nghiệm kì lạ
Đây không những là cuộc chiến đầu tiên được tuyên trên mạng xã hội mà còn được tường thuật trực tiếp trên Twitter. Trong những ngày vừa qua, tài khoản Twitter của IDF liên tục đăng nhiều thông tin chi tiết về hoạt động của chiến dịch, bao gồm các vụ tấn công đẫm máu, ám sát và cả nội dung tuyên truyền. Có lẽ không ai ngờ rằng công nghệ có thể mang chiến tranh và bạo lực đến từng cá nhân chính xác và thực tế đến vậy.
“Chào buổi sáng. 132 tên lửa đã được bắn từ Gaza vào dân thường Israel trong vòng 24 giờ qua” - một thông điệp điển hình được đăng trên tài khoản phát ngôn chính thức của IDF. Tài khoản này tường thuật trên Twitter diễn biến của chiến dịch quân sự ở Dải Gaza, chi tiết đến từng con số thương vong.
Quan sát một cuộc chiến đẫm máu thông qua phương tiện truyền thông như thế này gợi nhớ tới thời mà tivi đen trắng bắt đầu đem đến cho người xem những hình ảnh đầu tiên về chiến tranh thế giới lần thứ hai, sau đó là cuộc chiến ở Việt Nam… Chiến tranh được tường thuật thông qua một mạng xã hội như Twitter làm nhiều người sốc. Dịch vụ thân quen mà họ hay sử dụng để trao đổi thông tin và hình vài con mèo dễ thương lại trở thành diễn đàn cho một cuộc chiến thực sự. Việc dễ dàng biết được bao nhiêu người đã chết chỉ vài phút trước, ở một nơi nào đó trên thế giới, được truyền đến tận người đọc chỉ với 140 chữ (giới hạn của một bài post trên Twitter), quả là một trải nghiệm kì lạ.
Động thái này của IDF nhanh chóng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Đa số cư dân mạng tỏ vẻ không ưa cuộc chiến tranh và hành động tường thuật nó trên diễn đàn công cộng như mạng xã hội. Những thông tin như vụ ám sát thành công Ahmed Jabari (một thủ lĩnh của Hamas) được tường thuật chi tiết, bao gồm cả video đăng tải trên YouTube chỉ vài phút sau khi vụ việc xảy ra, làm nóng mạng internet nhưng cũng gây sốc cho người dùng, kèm với những lời chỉ trích. Lần đầu tiên, người ta có thể chứng kiến một cuộc chiến thông qua Twitter, nhanh chóng, hiệu quả và cực kì dễ dàng. IDF đã biến một cuộc chiến tranh trở thành một sự kiện mạng xã hội thật sự.
Nhanh hơn cả báo chí
Mặc dù không phổ biến tại Việt Nam như Facebook và Zing Me nhưng Twitter từ lâu cũng đã trở thành một công cụ thông tin phổ biến trong cộng đồng sử dụng tiếng Anh trên khắp thế giới, đặc biệt là Mỹ. Với mỗi bài viết giới hạn chỉ 140 chữ, khuyến khích đăng thông tin ngắn gọn và súc tích, mạng Twitter cho phép người ta dễ dàng liên lạc, bình luận và thông tin nhanh chóng.
Thông tin tài khoản phát ngôn chính thức của IDF trên Twitter, với 7.610 bài và 141.648 người theo dõi |
Tính chất tiện lợi như tin nhắn của Twitter biến nó thành một kênh thông tin nhanh nhạy và trực tiếp còn hơn cả báo chí, với các sự kiện được tường thuật gần như ngay tức thì, trước khi các cơ quan báo chí có thời gian trở tay. Twitter đã từng đóng vai trò như kênh liên lạc và tổ chức của phe nổi dậy trong đợt “Mùa xuân Ả Rập” vừa qua. Khi vụ ám sát Osama Bin Laden diễn ra, đưa tin về sự kiện này lại là từ một người dùng Twitter chứ không phải cơ quan báo đài nào cả.
Việc IDF sử dụng kênh thông tin này để tường thuật trực tiếp cuộc chiến của họ thực sự là để tránh khỏi tình trạng giới truyền thông hay người dùng bình thường đi trước trong việc đưa tin. Cách này cho phép IDF trực tiếp điều chỉnh các luồng thông tin theo ý mình để tuyên truyền hiệu quả hơn. Sử dụng #Hashtag (một cách đánh dấu chủ đề trên Twitter) và hình ảnh, video chi tiết được chuẩn bị kĩ càng, chứng tỏ IDF đã được lên kế hoạch từ trước. Mặc dù vẫn có các ý kiến trái chiều nhưng sự kiện này đã tạo được sự chú ý từ cộng đồng sử dụng tiếng Anh trên Twitter và đó là một thành công của IDF.
Hamas cũng lên mạng Twitter
Trong một sự kiện còn kì lạ hơn, phe Hamas cũng có một tài khoản Twitter. Thế là trong khi bom đạn rơi ở cả hai bờ chiến tuyến với phụ nữ và trẻ em trong danh sách những nạn nhân thì trên mạng xã hội Twitter, IDF và Hamas thực hiện một cuộc “đấu khẩu” chưa từng có.
Tạo Hashtags riêng cho mình là #GazaUnderAttack (tạm dịch: Gaza bị tấn công), Hamas đã “phản pháo”, đe dọa trả thù phía IDF. Đồng thời, một lượng lớn cư dân mạng cũng quay sang ủng hộ phe này hơn là quân IDF, phần còn lại đồng cảm với cư dân sống trong vùng chiến sự.
Qua sự kiện này, thế giới đang trải nghiệm chiến tranh với những thông tin cực nhanh nhưng cũng quá thực tế đến tàn nhẫn. Liệu con người có chán ngán chiến tranh hay những cuộc chiến vẫn sẽ xảy ra triền miên?
Sẽ trở nên phổ biến
Việc hai phe trong một cuộc chiến tuyên truyền và đả kích lẫn nhau trên mạng xã hội là việc không mới. Cả hai phe đều có một lượng “khán giả” sử dụng tiếng Anh theo dõi và ủng hộ đã được thực hiện từ lâu. Dù không đạt được mức như sự kiện Pillar of Defense nhưng gần như tất cả các tổ chức chính trị, văn hóa và quân sự khác nhau đều đã thấy được tiềm năng của việc sử dụng mạng xã hội.
Các chuyên gia dự báo những cuộc chiến tranh trên mạng sẽ trở nên phổ biến trong nay mai. Có vẻ như công nghệ lại một lần nữa đem đến một ảnh hưởng không ngờ tới cho con người.
Theo Người Lao Động