Trước việc Samsung và Coca-cola bất ngờ rút quảng cáo khỏi Zing MP3 vì cho rằng trang nhạc này vi phạm bản quyền các ca khúc quốc tế, VNG ch...
Trước việc Samsung và Coca-cola bất ngờ rút quảng cáo khỏi Zing MP3 vì cho rằng trang nhạc này vi phạm bản quyền các ca khúc quốc tế, VNG cho biết trong thời gian tới việc bản quyền này sẽ được giải quyết.
Zing MP3 sẽ mua bản quyền ca khúc quốc tế vào thời gian tớ |
Zing đã đàm phán mua bản quyền
Trước những động thái của Samsung và Coca-cola, cùng những cáo buộc vi phạm bản quyền, phía VNG cho biết, họ cũng đã quan tâm đến bản quyền các ca khúc quốc tế, tuy nhiên do việc đàm phán gặp nhiều khó khăn nên dù quá trình đàm phán diễn ra gần 1 năm nay nhưng vẫn chưa thể hoàn tất.
Cụ thể phía Zing MP3 cũng đã và đang trong quá trình đàm phán với đại diện các hãng nhạc lớn thế giới từ nhiều tháng nay. Đây là một quá trình khó khăn để có thể thuyết phục các doanh nghiệp nước ngoài chấp nhận một mô hình kinh doanh phù hợp với tập quán nghe nhạc của người dùng và tiềm năng của thị trường Việt Nam. Dự kiến, trong thời gian tới Zing MP3 sẽ công bố chính thức những thỏa thuận với các hãng sản xuất tác phẩm âm nhạc nước ngoài.
Như vậy, các ca khúc quốc tế trên Zing MP3 sắp tới sẽ có bản quyền và với việc một công ty lớn như VNG chú trọng đến việc này sẽ mở ra một hướng mới cho thị trường nhạc số sắp tới và có lẽ các công ty kinh doanh nhạc số còn lại cũng nên bước theo. Bởi trong thời điểm đã được các nước trên thế giới chú ý, nếu làm được như thế, các tổ chức bản quyền quốc tế sẽ nhìn thị trường nhạc số Việt Nam theo hướng khác và mở ra nhiều cơ hội đầu tư mới, thay vì để họ tác động các doanh nghiệp lớn rút quảng cáo như ở trên.
Bản quyền ca khúc quốc tế - một vấn đề khó
Mặc dù, việc tôn trọng bản quyền nhạc số ở Việt Nam đã có nhiều biến chuyển trong vài năm qua, khi rất nhiều trang nhạc lớn như mp3.zing.vn, nhaccuatui.com, nhac.vui.vn, yeucahat.com…đều đã tiến hành mua bản quyền các ca khúc trong nước tại Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV), hay kí độc quyền phát hành với các ca sĩ trong nước…Tuy nhiên, trong khi thị trường nhạc số trong nước ngày càng lớn và được các tổ chức bản quyền trên thế giới chú ý, thì bản quyền các ca khúc quốc tế, vẫn chưa được các công ty kinh doanh dịch vụ này chú trọng nhiều.
Cho đến thời điểm hiện tại mới chỉ có mỗi nhaccuatui.com mua được bản quyền các ca khúc quốc tế khi sử dụng chúng trên trang của mình, khi vào ngày 30/08/2011, nhaccuatui.com đã kí kết hai đại gia trong lĩnh vực sản xuất và ghi âm: Universal Music Group và Sony Music Entertainment, để phát hành các ca khúc quốc tế có bản quyền.
Rất nhiều người đã hi vọng sau bước đi tiên phong của nhaccuatui.com, đặc biệt là nếu ZingMP3 hoàn tất việc mua bản quyền ca khúc quốc tế thì các công ty trong nước cũng sẽ chú trọng đến vấn đề này.
Còn nhớ, vào ngày 20/9/2011, IFPI đã có văn bản gửi Cục Bản quyền tác giả thông báo và đề nghị Việt Nam kiểm tra, xử lí các webiste vi phạm bản quyền ca khúc quốc tế này. Theo đó, có 24 website của Việt Nam đã được IFPI gửi khuyến cáo, yêu cầu chấm dứt vi phạm, nhưng vẫn cố tình vi phạm quyền của các thành viên IFPI. Trong đó, socbay.com là website đã bị khuyến cáo 99 lần, zing.vn bị khuyến cáo 96 lần. Clip.vn, nghenhac.info, yeucahat.com, truongton.net, vietgiaitri.com.vn, bamboo.com, timnhanh.com, xalo.vn, tunglunghoahong.com, Soha.vn, nhac.vui.vn, hihihehe.com … cũng bị khuyến cáo lên tới vài chục lần. Bên cạnh đó, liên minh bản quyền IIPA, cũng nhiều lần cáo buộc các hành vi vi phạm bản quyền các ca khúc quốc tế ở các trang nhạc trực tuyến ở Việt Nam.
Chính vì thế, động thái của Samsung và Coca-cola rút quảng cáo khỏi Zing MP3 đã được IIPA hoan nghênh, đồng thời đây được xem như lời cảnh báo đến toàn bộ các công ty kinh doanh âm nhạc trực tuyến trong nước ở việc vi phạm bản quyền ca khúc quốc tế.
Theo ICTnews