Giữa bối cảnh hoạt động xuất khẩu ảm đạm hiện nay, các doanh nghiệp trong nước nên chủ động đương đầu với khó khăn bằng việc coi trọng và kh...
Giữa bối cảnh hoạt động xuất khẩu ảm đạm hiện nay, các doanh nghiệp trong nước nên chủ động đương đầu với khó khăn bằng việc coi trọng và khai thác tối đa lợi ích của xuất khẩu online, học hỏi kỹ năng tiếp cận khách hàng, xử lý thư hỏi hàng…
Nhiều doanh nghiệp dệt may đang coi xuất khẩu online là hướng đi mới để thoát khỏi tình trạng khó khăn về đơn hàng hiện nay. |
Chủ động tìm cửa "thoát hiểm"
Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong thời điểm kinh tế thế giới khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng thủy sản, nông sản, may mặc… trong nước đang thiếu đơn hàng trầm trọng (nhất là những đơn hàng dài hạn), thị trường xuất khẩu cũ có xu hướng thu hẹp hơn, đồng thời phải đối mặt với những áp lực cạnh tranh khốc liệt tại thị trường quốc tế.
Cùng đó, bức tranh xuất khẩu càng tỏ ra u ám hơn khi Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới do Quỹ Tiền tệ quốc tế-IMF công bố mới đây chỉ ra rằng, bối cảnh tương lai kinh tế thế giới trong những tháng cuối năm 2012 và trong năm 2013 không mấy khả quan. Tức là, thực tế đó cũng sẽ kéo theo hàng loạt thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Trước thực tế nói trên, ông Trần Đình Toản, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB (một doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực thương mại điện tử) cho rằng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang trở nên bi quan khi tình hình kinh tế thế giới không tiến triển tốt.
Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục chờ đợi đến khi tình hình kinh tế khả quan hơn thì doanh nghiệp khó có thể duy trì được hoạt động. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần “xốc” lại cơ cấu tổ chức cho phù hợp, chủ động tìm kiếm những giải pháp mang tính sáng tạo và tối ưu trong các hoạt động tìm kiếm khách hàng nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Chiến lược tìm kiếm nguồn cung ứng của doanh nghiệp cũng cần có nhiều thay đổi. Các doanh nghiệp có xu hướng tập trung vào các thị trường cụ thể, tìm trực tiếp đến những đối tác có uy tín và ký kết những hợp đồng có giá trị dù nhỏ để giảm thiểu rủi ro. Trong đó, việc ứng dụng thương mại điện tử để xúc tiến hoạt động giao thương là một trong những hướng đi hiệu quả hiện nay”, ông Toản nói.
Nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử còn cho thấy, nếu như trước đây nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước chọn giải pháp bán hàng cho một công ty xuất khẩu có tiềm lực hơn nhằm tránh được rủi ro về biến động giá, thì hiện phương án này không mang lại nhiều lợi ích lâu dài do giá thu mua của bên trung gian thường thấp. Vì thế, gần đây nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào kênh xuất khẩu trực tuyến để chủ động hơn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng kinh doanh.
Tư duy làm xuất khẩu online vẫn "ì ạch"
Dù xuất khẩu trực tuyến đang được xem là hướng đi “hợp thời” hiện nay, thế nhưng trao đổi với báo BĐVN, ông Trần Xuân Thủy – Giám đốc Phụ trách thị trường Việt Nam của Tập đoàn Alibaba.com cho rằng, đến nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có mấy kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết nên cũng tiềm ẩn không ít khó khăn, rủi ro.
Ông Thủy “bắt mạch” một số tồn tại như hoạt động xuất khẩu online chưa đạt hiệu quả cao so với doanh nghiệp tại một số quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ... Hàng loạt kỹ năng khác như tiếp cận khách hàng, xử lý thư hỏi hàng, chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp nội vẫn chưa chuyên nghiệp và hiệu quả, dẫn tới không tận dụng được hết các cơ hội mang lại từ các kênh này.
Riêng vấn đề như online vào ban đêm để có thể khai thác và tìm được đối tác tại những quốc gia lệch múi giờ so với Việt Nam thì gần như không bao giờ thấy trên Alibaba.com.
Lý giải về thực trạng nói trên, ông Trần Đình Toản cho rằng, nguyên nhân bắt nguồn từ nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam: Chưa hiểu hết được sức mạnh của các kênh xuất khẩu trực tuyến và chưa coi đây là một kênh quan trọng nên chưa có sự quan tâm và đầu tư đúng mức.
Bên cạnh đó, sau khi “kết nối” được đối tác qua kênh online thì các giao dịch sau đó hoàn toàn là giao dịch truyền thống, từ việc xác thực thông tin đối tác, trao đổi thông tin về sản phẩm, gửi hàng mẫu, đặt hàng... cho tới khâu thanh toán. Vì thế, trước hết việc xác thực đối tác là hết sức quan trọng để hạn chế đến tối đa tình trạng gặp phải đối tác thiếu uy tín gây thiệt hại trong hoạt động xuất khẩu, thậm chí là có thể bị lừa đảo.
Trao đổi với báo BĐVN, các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử còn đưa ra một số khuyến cáo như khi nhận được hỏi hàng tiềm năng từ nhà nhập khẩu nước ngoài, doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm mọi biện pháp để tìm hiểu về đối tác như thông tin website công ty (qua các site như www.domainsearch.com; www.whois.com); email, số điện thoại, số fax văn phòng...; tìm hiểu xem đối tác có là thành viên của cơ quan hay tổ chức xúc tiến thương mại nào không (có thể tham khảo thông tin từ các tổ chức xác thực và đại diện thương mại của Việt Nam tại các nước)....
Ngoài ra, với đối tác thuộc các quốc gia có chênh lệch múi giờ với Việt Nam, các doanh nghiệp nhiều khi phải thức cả đêm để gọi kiểm tra số điện thoại của người mua.
Nguyên Đức
Nội dung đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 127 ra ngày 22/10/2012.