Bên cạnh trang bị chip xử lý Core i7, RAM 8 GB, card màn hình rời... việc dùng ổ cứng thể rắn SSD cũng giúp rút ngắn thời gian khởi động máy...
Bên cạnh trang bị chip xử lý Core i7, RAM 8 GB, card màn hình rời... việc dùng ổ cứng thể rắn SSD cũng giúp rút ngắn thời gian khởi động máy, tăng tốc độ tải phần mềm, game hay giải nén.
SSD gần giống USB storage về bản chất lưu trữ đều là Flash NAND, cấu tạo bởi chip nhớ chứ không phải là phiến đĩa có động cơ quay như ổ đĩa cứng HDD. Với cấu tạo này SSD không những có tốc độ cực nhanh mà còn có nhiều ưu điểm khác như chống va đập, chống sốc, tiết kiệm điện, ít tỏa nhiệt, hoạt động êm ái.
Nếu USB chỉ dùng một kênh NAND duy nhất thì SSD sử dụng lên đến 24 hay 48 kênh nên tốc độ nhanh gấp nhiều lần so với USB. Cách thức điều khiển các kênh NAND (firmware, controller) giống như động cơ của HDD thông thường, controller sẽ quyết định đến khả năng hoạt động phối hợp nhịp nhàng của tất cả các kênh NAND Flash. Đa số SSD hiện nay đều dùng chip NAND Flash của một hãng và controller từ hãng khác. Riêng Intel là hãng duy nhất vừa sản xuất được NAND Flash và controller nên ổ cứng hoạt động ổn định và tốc độ cao hơn.
Dùng SSD trong hệ thống sẽ giảm thời gian khởi động máy. Thay vì tốn hơn 1 phút cho việc khởi động hệ điều hành, nhờ có SSD thời gian giảm xuống còn 8-10giây. Với giao tiếp SATA 3 hiện nay, SSD có thể đạt tốc độ lên đến 550 MB một giây và 540 MB một giây cho tốc độ đọc và ghi. Trong khi đó HDD tốc độ cao nhất chỉ 80 MB một giây. Nhờ vậy người dùng chỉ tốn 16 giây để copy một bộ film HD 8 GB trên SSD so với 15 phút trước kia. Việc nạp và xử lý những file dữ liệu lớn (cỡ 100 MB một file Photoshop hay AutoCad) tốn thời gian gần 6 phút thì nay giảm xuống còn 1 phút 30 giây.
Tuy HDD được trang bị công nghệ chống sốc nhưng sau một thời gian di chuyển liên tục ổ vẫn bị "chết" do rung lắc. Còn SSD chạy hoàn toàn bằng chip nhớ nên an toàn tuyệt đối, cho dù máy có rớt bể nhưng dữ liệu trong ổ SSD vẫn an toàn. Nếu laptop phải di chuyển liên tục, người dùng nên thay thế HDD bằng SSD để đảm bảo rằng dữ liệu không bị mất.
Nhờ chạy bằng chíp nhớ nên SSD hoạt động êm ái, không có độ ma sát nên nhiệt lượng tỏa ra rất ít (HDD tuy hoạt động trong môi trường kín chân không nhưng vẫn sinh nhiệt). SSD tiêu thụ ít hơn ổ HDD từ 30-60% năng lượng, tiết kiệm từ 5-10 W. Nếu thay thế HDD trong laptop bằng SSD, người dùng không chỉ tăng tốc cho máy tính mà còn có thêm thời lượng pin đến 10%.
SSD được cấu tạo từ chip nhớ và chip controlle. Một số dòng SSD enterprise dành cho doanh nghiệp, trong chip controller còn được tích hợp bộ mã hóa dữ liệu. Dữ liệu ra vào SSD được mã hóa liên tục nhằm bảo mật tuyệt đối cho dữ liệu lưu trữ.
Với ưu điểm về tốc độ và độ an toàn tuyệt đối khi sử dụng, SSD đã tạo nên cuộc cách mạnh trên lĩnh vực lưu trữ thay thế cho ổ đĩa cứng cơ truyền thống vốn đã tồn tại nhiều năm. Với sự phổ biến của SSD trên ultrabook và laptop hiện nay, trong tương gần, giá thành và dung lượng của SSD càng gần với HDD. Khi đó SSD sẽ là một trong những tiêu chí quan trọng để người dùng quyết định chọn mua máy tính.