Sức mua ảm đạm cộng thêm sự cạnh tranh khốc liệt từ Samsung, Nokia, LG… ở phân khúc smartphone giá rẻ đang khiến cho điện thoại thương hiệu ...
Sức mua ảm đạm cộng thêm sự cạnh tranh khốc liệt từ Samsung, Nokia, LG… ở phân khúc smartphone giá rẻ đang khiến cho điện thoại thương hiệu Việt lâm vào cảnh khốn khó.
Q- Mobile đang tập trung mạnh cho dòng smartphone. Ảnh: Internet |
Nhập khẩu giảm, sức mua ảm đạm
Theo thông tin từ Bộ Công thương, tình hình nhập khẩu ĐTDĐ 7 tháng đầu năm 2012 của Việt Nam chỉ đạt hơn 9,5 triệu chiếc, kim ngạch 412,9 triệu USD. Con số này cho thấy thực tế nhập khẩu đã giảm 10,7% về lượng và giảm 9,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2011.
Cùng đó, nhập khẩu ĐTDĐ nửa đầu tháng 8/2012 đạt gần 617 nghìn chiếc, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2011, nguyên nhân do sức ép kinh tế, người dân thắt chắt chi tiêu.
Còn theo Hãng nghiên cứu thị trường GFK, trong tháng 8/2012, số lượng điện thoại bán ra toàn thị trường giảm mạnh 6%, doanh thu giảm 1%. Dù vậy, riêng sản phẩm của Nokia vẫn chiếm 86,3% tổng lượng nhập khẩu nửa đầu tháng 8.
“Giá nhập khẩu ổn định là lợi thế của hãng này đồng thời cũng là khó khăn khi các thương hiệu khác liên tục có sự thay đổi về giá để cạnh tranh”, thông tin từ GFK cho hay.
Còn theo số liệu của IDC, Nokia vẫn là hãng điện thoại chiếm thị phần lớn tại Việt Nam trong quý I và II với hơn 50%. Dự báo trong quý III, hãng này tiếp tục duy trì được vị trí dẫn đầu về thị phần.
Cuối năm 2012 chỉ còn lại 4 "thương hiệu Việt"?
Năm 2009 và 2010 được coi là thời kỳ đỉnh cao của các nhà sản xuất ĐTDĐ thương hiệu Việt khi họ chiếm tới 40% thị phần. Tuy nhiên, tiếp bước mạch trầm lắng từ năm 2011 cho đến giữa năm 2012, thị trường ĐTDĐ đã bão hòa, tình hình kinh tế khó khăn cộng với sự cạnh tranh từ những thương hiệu lớn khiến điện thoại thương hiệu Việt ngày càng lao đao.
Sau khi một số thương hiệu "mất tích" trên thị trường thì đến tháng 8/2012 HiPT đã chính thức bỏ thương hiệu điện thoại Hi- Mobile sau hơn 1 năm nhảy vào lĩnh vực thiết bị di động, còn Tập đoàn CMC dù không công khai nhưng cũng đang âm thầm "khai tử" thương hiệu BlueFone.
Trong khi đó, thương hiệu từng tạo được “thanh thế” như Q-Mobile phải loay hoay tìm bước chuyển mình bằng việc sản xuất smartphone giá rẻ.
“Dự báo, đến cuối năm 2012 tại Việt Nam chỉ còn 4 thương hiệu điện thoại Việt duy trì hoạt động”, đại diện Thegioididong.com nhận định; đồng thời cho rằng trong những tháng cuối năm 2012, sức mua smartphone có chiều hướng tăng, riêng dòng smartphone chất lượng cao giá rẻ sẽ liên tục được tung ra thị trường.
Đáng chú ý là trong khi các hãng điện thoại Việt cố “bấu víu” thị trường ở phân khúc bình dân thì những “ông lớn” như Samsung, Nokia hay LG... vẫn liên tục tung ra sản phẩm cạnh tranh mạnh ở phân khúc smartphone giá rẻ, đẩy “dế” thương hiệu Việt rơi vào cảnh cùng cực.
Theo ICTNews