Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thuế qua mạng (TVAN) đang “tung” nhiều gói cước dịch vụ cùng nhiều chiêu cạnh tranh để “hút khách”. ...
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thuế qua mạng (TVAN) đang “tung” nhiều gói cước dịch vụ cùng nhiều chiêu cạnh tranh để “hút khách”.
Các doanh nghiệp có nhu cầu khai thuế qua mạng đang có nhiều cơ hội lựa chọn. Ảnh: N.M. |
Như ICTnews đã phản ánh, ngành Thuế đang chủ trương dùng TVAN để giảm tải gánh nặng công việc cho cán bộ thuế. Có thể nói các nhà cung cấp dịch vụ TVAN đang được “mở đường” để triển khai dịch vụ một cách sâu rộng.
Đơn cử tại Chi cục Thuế Thanh Xuân kỳ khai thuế gần đây nhất (trung tuần tháng 8/2012), các nhà cung cấp dịch vụ TVAN đã được đặt bàn gần chỗ làm việc của cán bộ thuế để tiện giới thiệu sản phẩm, dịch vụ cho các doanh nghiệp đến khai thuế.
Các bàn giới thiệu dịch vụ TVAN được rải khắp hành lang của Chi cục Thuế quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: N.M. |
Mỗi người đến làm tờ khai đều được đại diện của nhà cung cấp dịch vụ TVAN tận tình mời chào, đưa tận tay hợp đồng cung cấp dịch vụ kèm theo những lời quảng bá về dịch vụ của mình. Tuy nhiên, do quá nhiều thông tin được dồn vào cung cấp cùng lúc, không ít đại diện doanh nghiệp đến nộp tờ khai thuế đã bối rối như bị tung hỏa mù, thậm chí “chữ tác đánh chữ tộ” về gói dịch vụ được giới thiệu. Chẳng hạn, nhiều người chỉ đọc dòng tiêu đề "Giấy đăng ký cấp chứng thư số và dịch vụ T-VAN của FPT", "Bảng giá dịch vụ chữ ký và T-VAN của FPT" đã tự hiểu rằng FPT đang cung cấp cả dịch vụ chữ ký số và dịch vụ TVAN, trong khi thực tế, FPT mới chỉ cung cấp gói dịch vụ chữ ký số, chưa chính thức triển khai dịch vụ TVAN (đang kết hợp sử dụng dịch vụ TVAN của 3 nhà cung cấp gồm SEATECH, Thái Sơn, TS24).
Cầm cùng lúc 5 – 6 bộ hợp đồng cung cấp dịch vụ TVAN khác nhau, các doanh nghiệp không có thời gian để “nghiên cứu” chất lượng, một căn cứ thường được dùng để các đại diện doanh nghiệp quyết định lựa chọn nhà cung cấp TVAN chính là giá dịch vụ.
VNPT-CA đang được đánh giá là có lợi thế về giá nhất hiện nay. Bảng giá dịch vụ chữ ký số của nhà cung cấp này có 4 gói: 6 tháng là 550.000 đồng, 1 năm – 1.098.900 đồng, 2 năm – 1.977.800 đồng, 3 năm – 2.747.800 đồng (3 gói 6 tháng, 1 năm và 2 năm phải trả thêm phí thiết bị token là 550.000 đồng, còn gói 3 năm được miễn phí token). Bảng giá dịch vụ TVAN của VNPT cũng chia 4 gói: 6 tháng - 440.000 đồng, 12 tháng – 771.100 đồng, 2 năm – 1.157.200 đồng, 3 năm – 1.487.200. Nếu sử dụng cả 2 dịch vụ chữ ký số và TVAN thì tổng chi phí 6 tháng là 1.540.000 đồng, 1 năm – 2.420.000 đồng, 2 năm – 3.685.000 đồng, 3 năm – 4.235.000 đồng.
Tham khảo thêm báo giá dịch vụ TaxOnline của Công ty TS24 thì thấy cao hơn khá nhiều so với VNPT. Cụ thể, tổng gói cước nếu dùng cả chữ ký số và TVAN cho gói 2 năm là 4.098.000 đồng (cao hơn 413.000 đồng so với giá của VNPT), và 3 năm – 5.098.000 đồng (cao hơn 863.000 đồng so với VNPT).
Báo giá dịch vụ Tax24 của Seatech còn nhỉnh hơn nữa: 1 năm – 2.650.000 đồng (cao hơn 230.000 đồng so với VNPT), 2 năm – 4.519.000 đồng (cao hơn 834.000 đồng), 3 năm – 5.250.000 đồng (cao hơn 1.015.000 đồng).
Bên cạnh những mức giá công bố công khai nêu trên, để thu hút thêm khách hàng, các nhà cung cấp dịch vụ TVAN cũng đang tiến hành hàng loạt chương trình, chiến dịch khuyến mại giảm giá theo thời điểm.
Không ít doanh nghiệp đã nhanh chóng "chốt" dịch vụ TVAN cho mình sau khi nghe tư vấn trực tiếp tại Chi cục Thuế. Ảnh: N.M. |
Theo quan sát của phóng viên ICTnews, một cuộc cạnh tranh về giá, khuyến mại đang diễn ra và rất có thể sẽ ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ nếu cứ đua nhau giảm giá để hút khách.
Chia sẻ với phóng viên ICTnews về vấn đề này, ông Ngô Tuấn Anh, Giám đốc Bkav-CA đề xuất Bộ TT&TT cần sớm ban hành giá sàn để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng. Đặc biệt, với dịch vụ chữ ký số, nếu không đảm bảo chất lượng thì sẽ có nhiều hệ lụy khôn lường vì đây là lĩnh vực liên quan tới an toàn bảo mật của hệ thống thuế cũng như các doanh nghiệp.
Bên cạnh chuyện cạnh tranh về giá, đã xuất hiện hiện tượng cạnh tranh theo kiểu “dìm hàng” đối thủ, nêu lợi điểm của mình để so sánh với yếu điểm của đối thủ cạnh tranh (ví dụ, có nhân viên của nhà cung cấp TVAN rỉ tai khách hàng tiềm năng rằng dịch vụ của VNPT mới ra đời, nhân viên của VNPT không thể hiểu hệ thống thuế bằng đơn vị đã từng hỗ trợ Tổng cục Thuế triển khai hệ thống hỗ trợ kê khai iHTKK,…). Đây là một nét hành xử không đẹp trong văn hóa doanh nghiệp.
Theo công bố của Tổng cục Thuế, hiện có 6 dịch vụ TVAN được cấp phép triển khai gồm Tax24 của Công ty Cổ phần CNTT Đông Nam Á-Seatech, VNPT Tax của Tập đoàn VNPT, Nộp tờ khai của Công ty Bkav, VTax của Tập đoàn Viettel, TaxOnline của Công ty TS24, eTax của Công ty Thái Sơn. Bên cạnh đó có 6 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ chữ ký số hỗ trợ khai thuế qua mạng gồm: VNPT-CA, Bkav-CA, Viettel-CA, CA2, FPT-CA, CK-CA.
Theo ICTNews