Theo đại diện các ISP như VNPT, FPT Telecom, mặc dù sự cố đứt cáp AAG từ hôm 13/8 có làm ảnh hưởng đến các thuê bao của 2 nhà mạng này nhưng...
Theo đại diện các ISP như VNPT, FPT Telecom, mặc dù sự cố đứt cáp AAG từ hôm 13/8 có làm ảnh hưởng đến các thuê bao của 2 nhà mạng này nhưng mức độ ảnh hưởng không lớn như sự cố đứt tuyến cáp này hồi năm 2011. Hiện các đơn vị này đang tích cực liên hệ với Trung tâm điều hành quốc tế của AAG để sửa chữa.
Sự cố đứt cáp AAG ngày 13/8 ít làm ảnh hưởng tới Internet Việt Nam như sự cố năm ngoái. Ảnh: Internet |
Tuy nhiên, đại diện các ISP cho rằng, việc sửa chữa thông thường phải mất trung bình khoảng 2 tuần.
Ngoài ra, theo đại diện FPT Telecom, sau sự cố đứt cáp quang biển AAG sáng 13/8, đơn vị này đã phải chuyển thêm lưu lượng từ tuyến cáp qua Hồng Kông và đất liền để bù đắp lưu lượng bị ảnh hưởng. Vì thế, khi mới chuyển sang tuyến cáp dự phòng, tại một số thời điểm khách hàng có thể cảm thấy bị nghẽn và khó truy cập. Tuy nhiên, về sau, khi các tuyến cáp dự phòng đi vào ổn định thì việc truy cập của thuê bao sẽ dễ dàng hơn.
Vào lúc 01h21 sáng ngày 13/8, tuyến cáp biển AAG đã xảy ra sự cố đứt tuyến cáp tại phân đoạn Vũng Tàu - Hồng Kông làm ảnh hưởng đến các nhà cung cấp dịch vụ Internet đang sử dụng AAG.
Trong năm 2011, tuyến cáp quang biển AAG đã 4 lần xảy ra sự cố hoặc phải bảo dưỡng làm ảnh hưởng đến tốc độ đường truyền Internet của người sử dụng.
AAG có các điểm cập bờ tại Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Tungku (Brunay), Vũng Tàu (Việt Nam), Currimao (Philippines), South Lantau (Hongkong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)... Nhánh cáp rẽ vào Việt Nam nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km, cập bờ tại Vũng Tàu và chính thức hoạt động từ tháng 11/2009.
Theo ICTNews