Ngày 15/8, MV Corp và các website âm nhạc lớn đã kí thỏa thuận hợp tác và dự kiến đồng loạt thu phí tải nhạc trực tuyến từ 1/11 với mức giá ...
Ngày 15/8, MV Corp và các website âm nhạc lớn đã kí thỏa thuận hợp tác và dự kiến đồng loạt thu phí tải nhạc trực tuyến từ 1/11 với mức giá 1000 đồng/bài hát.
ICTnews đã có buổi trao đổi với ông Phùng Tiến Công, Phó TGĐ Công ty MV Corp về những vấn đề xoay quanh chuyện thu phí tải nhạc.
Theo ông Phùng Tiến Công, với 1000 đồng/bài hát, người dùng sẽ được sở hữu một bản nhạc chất lượng cao, hình ảnh và thông tin rõ ràng, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt. |
Tại sao MV Corp quyết định đứng ra làm đơn vị kí thỏa thuận hợp tác thu phí tải nhạc bản quyền?
Thực tế nhiều năm qua, ngành công nghiệp ghi âm Việt Nam đang bị thiệt hại nghiêm trọng do tình trạng tải nhạc miễn phí trên Internet và di động. Sản lượng băng đĩa của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) sụt giảm hơn 80% trong 5 năm gần đây. Các hãng băng đĩa không thể tiếp tục đầu tư cho những dự án âm nhạc mới vì nắm chắc phần thua lỗ.
Còn bản thân các website nghe nhạc lớn ở Việt Nam cũng đã trao đổi với MV Corp về việc muốn thu phí tải nhạc để có thể cung cấp cho người dùng sản phẩm chất lượng nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ 1 đơn vị thu phí mà các doanh nghiệp khác không làm thì không thể thu phí triệt để. Thị trường âm nhạc rất cần 1 tổ chức đứng giữa để kết nối các đơn vị này ngồi lại với nhau.
Vì vậy, MV Corp đã đứng ra làm trung gian kết nối với RIAV cũng như các website nghe nhạc khác để đồng loạt thu tiền người dùng khi tải nhạc trực tuyến, nhằm mang lại nguồn thu cho đơn vị sản xuất và nghệ sĩ. Việc thu phí sẽ khiến cho các nghệ sĩ, đơn vị sản xuất có trách nhiệm hơn với mỗi tác phẩm đưa lên website thay vì “thả nổi chất lượng” như hiện nay.
So với thời điểm năm 2008 khi Nhacso.net quyết định thương mại hóa và thu phí tải nhạc người sử dụng, thực tế hiện nay có những điểm khác biệt rất lớn. Năm 2008, bản thân các trang web nghe nhạc còn chưa bán được quảng cáo, phương tiện thanh toán chưa thực sự tốt và đang phải vật lộn để “sinh tồn”. Nếu chúng ta bắt họ phải trả khoản tiền lớn cho nhạc bản quyền mà chưa biết kinh doanh như thé nào thì rất khó thành công.
Cách tiếp cận của MV Corp là chúng tôi kết nối các website lại với nhau, cùng tạo ra một thị trường mới “có phước (lợi nhuận) cùng chia” và “có hoạn (thất bại) thì cùng chịu”. Chưa kể, việc tham gia cùng MV Corp sẽ giúp các website tiết kiệm thời gian và công sức, chỉ phải kí kết với một bên duy nhất thay vì phải tự đi kí với RIAV, Trung tâm bản quyền tác giả cũng như các hãng băng đĩa, ca sĩ độc lập… Đây là cách tiếp cận rất cởi mở và nhận được sự ủng hộ của tất cả các bên.
Ông có thể giải thích thêm về mức giá 1000 đồng/bài hát được đưa ra và thời gian tới liệu MV Corp cũng như các bên liên quan có tăng, giảm mức giá này hay không ?
Một đĩa nhạc lậu hiện có giá khoảng 10.000 đồng cho 10 ca khúc (mỗi ca khúc giá khoảng 1000 đồng) mà chưa chắc tất cả đều là ca khúc mình thích; trong khi đó khách hàng có thể truy cập vào website, chọn ca khúc và click vào nút mua để sở hữu một bản nhạc chất lượng 320 Kbps, âm thanh stereo, hình ảnh rõ ràng, thông tin ca sĩ đầy đủ, dịch vụ chăm sóc khách hàng… khác hoàn toàn so với những ca khúc “trôi nổi” và miễn phí trên thị trường.
Khi triển khai quy định này, khách hàng sẽ cân nhắc và thấy rằng mức giá 1000 đồng/bài hát hoàn toàn hợp lí. Do mức giá, chất lượng nội dung, số lượng ca khúc bản quyền chung của các website thu phí đều giống nhau nên để thu hút người sử dụng và cạnh tranh nhau, các trang web phải nâng cao chất lượng dịch vụ của mình tạo ra sự khác biệt nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Hiện MV Corp và 6 website đầu tiên đăng kí thu phí tải nhạc vẫn chưa chốt số tiền nghe nhạc trọn gói mỗi tháng mà chỉ đưa ra mức giá cho từng bài. Sau 6 tháng cho đến 1 năm, dựa vào thông tin phản hồi của người dùng sẽ điều chỉnh lại mức giá cho phù hợp.
Để mua nhạc, người dùng đăng kí tải khoản trên website nghe nhạc và đăng kí tiền vào tài khoản đó bằng các phương tiện thanh toán qua SMS, thẻ cào của các nhà mạng hay Zing xu (đối với Zing), Ngân Lượng, Bảo Kim… Với số tiền bản quyền thu được, sau khi trừ đi những chi phí,đơn vị phân phối và các website sẽ được hưởng 45%. 55% còn lại trả về cho đơn vị cung cấp nội dung (ca sĩ, nhạc sĩ, hãng ghi âm...).
Đối với những ca khúc đang được người dùng chia sẻ trên Zing Mp3, Nhaccuatui hay các ca khúc cũ của website nghe nhạc như GoMusic, Socbay..., MV Corp và các bên liên quan sẽ xử lí như thế nào sau ngày 1/11, thưa ông?
Dự kiến, sau 1/11, chúng tôi sẽ thử nghiệm thu phí đối với 100 album chọn lọc đầu tiên nhạc chất lượng cao (chiếm khoảng 1% số lượng ca khúc hiện nay). Các ca khúc còn lại không nằm trong album này, người dùng vẫn còn thể tải về hay chia sẻ với nhau miễn phí như hiện nay. Còn đối với các ca khúc nằm trong 100 album đầu tiên này, chúng tôi chưa thống nhất phương án xử lí đối với các bài hát cũ đã được người dùng hay website đăng lên. Ngoài ra, nếu các ca khúc trong danh sách phải thu phí mà do ca sĩ khác thể hiện thì vẫn được tải về miễn phí.
Sau thời gian thử nghiệm và lấy được lòng tin của khách hàng, chúng tôi sẽ tiếp tục gia tăng số lượng thành 500 album, 1000 album…
Ông có thể cho biết MV Corp và các website khác đặt mục tiêu doanh thu như thế nào sau khi thu phí?
Người dùng vẫn chưa quen với việc mua nhạc trực tuyến và bản thân chúng ta chưa có thị trường, hiện mới “mò mẫm” từng bước để tìm hướng đi phù hợp. Trong năm đầu tiên, chúng tôi hi vọng có khoảng 3 - 5% người dùng chịu trả tiền và chưa đặt ra doanh thu cụ thể, chủ yếu cố gắng tạo niềm tin cho người sử dụng. Ngoài ra, nếu ngay năm đầu mà đưa ra con số cụ thể và “ép” các bên thực hiện sẽ khiến cho những đơn vị khác chần chừ, lo lắng khi tham gia cuộc chơi. Sang năm thứ 2, chúng tôi mới đặt mục tiêu hòa vốn và bắt đầu có lãi vào năm thứ 3.
Việc kinh doanh, nguồn thu chính chủ yếu đến từ di động. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải “quản chặt” việc tải nhạc trên web vì nếu lơ là sẽ không bao giờ thu phí được trên di động.
Đối với những website không có bản quyền mà vẫn đăng tải các ca khúc miễn phí nhằm thu hút người dùng từ những website thu phí. MV Corp dự định xử lí vấn đề này như thế nào?
Chúng tôi rất hạn chế kiện tụng vì đã có cơ chế rõ ràng và cởi mở, nếu thu được thì ăn chia theo luật chơi của “cả làng” và không hề ép buộc các website phải tham gia thu phí. Điều này tạo điều kiện cho các website nhỏ - cũng là những đơn vị hay vi phạm bản quyền nhất - được tham gia do không phải trả một số tiền rất lớn như trước thì mới được sở hữu các ca khúc có bản quyền. Tuy nhiên, nếu những website đó vẫn tiếp tục “trốn” trả tiền bản quyền hay "phá rối" những đơn vị làm ăn chân chính thì không chỉ MV Corp mà tất cả các bên từ những website nghe nhạc thu phí, hãng đĩa, ca sĩ… sẽ đồng loạt tẩy chay và kiến nghị các cơ quan chức năng xử lí.
Chúng tôi đã đặt vấn đề với các nhà mạng xin cơ chế cho các trang web tham gia thu phí như có tỉ lệ ăn chia tốt hay miễn phí, ưu đãi giá cước 3G cho người dùng khi tải ca khúc. Khi đó, chúng tôi sẽ có sự khác biệt, thu hút người dùng hơn các trang web “lậu”. Chưa kể đến việc, nếu các bên tham gia làm tốt các khâu như chăm sóc khách hàng, nội dung nhạc đảm bảo, thông tin đầy đủ…và tạo được lòng tin đối với khách hàng thì người dùng sẽ có sự so sánh và dần dần “quay lưng” với các trang web miễn phí nhưng chất lượng nhạc kém.
MV Corp và các bên tham gia sẽ chống tải nhạc “lậu” trên những trang web thu phí như thế nào, thưa ông ?
Chúng tôi đang nghiên cứu và xây dựng các cơ chế bảo mật theo tiêu chuẩn quốc tế đảm bảo những ca khúc của ca sĩ, nhạc sĩ không bị sử dụng bất hợp pháp, tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng người dùng có thể dùng một công cụ nào đó để tải nhạc về, dù số lượng rất ít.
Một số ý kiến cho rằng nên sử dụng giải pháp quản lí bản quyền nội dung số (Digital Rights Management - DRM) nhưng ý kiến cá nhân tôi kịch liệt phản đối phương án này vì nó gây bất tiện, khó chịu cho người sử dụng và bản thân các hãng lớn trên giới như Sony, Apple, Microsoft... cũng "khai tử” công nghệ DRM.
Xin cảm ơn ông!
Theo ICTnews