Tòa án San Jose (Mỹ) đã đưa ra phán quyết nhanh hơn dự kiến của giới truyền thông khi chỉ sau 2,5 ngày nghị án, họ đã khẳng định Samsung sao...
Tòa án San Jose (Mỹ) đã đưa ra phán quyết nhanh hơn dự kiến của giới truyền thông khi chỉ sau 2,5 ngày nghị án, họ đã khẳng định Samsung sao chép thiết kế của Apple và phải trả khoản tiền khổng lồ.
Bồi thẩm đoàn nhận thấy tất cả các bản quyền về giao diện người dùng iOS và thiết kế sản phẩm của Apple đều hợp lệ, và 6 trên 7 bằng sáng chế của hãng này đã bị một loạt thiết bị của Samsung xâm phạm.
Quan trọng hơn, tòa khẳng định một cách rõ ràng: Samsung cố tình (không phải vô ý) sao chép bản quyền. Đó là lý do họ phải bồi thường thiệt hại tới 1 tỷ USD (dù vẫn chưa bằng con số 2,5 tỷ USD mà Apple chờ đợi).
Apple đã dành chiến thắng quan trọng nhất trong cuộc chiến với Samsung. |
Trong khi đó, Samsung thua mọi mặt trong vụ kiện ngược Apple. Thẩm phán cho hay không một thiết bị nào của hãng sản xuất iPhone và iPad vi phạm bản quyền của Samsung, kể cả bằng sáng chế liên quan đến chuẩn kết nối mạng 3G.
Apple trong suốt gần 1 tháng qua liên tục nhấn mạnh rằng iPhone là thiết bị đột phá mà họ phải mất 5 năm để tạo nên trong khi Samsung chỉ cần bỏ ra vài tháng "học hỏi" mà chưa phải chịu hậu quả gì. Quan tòa đã đồng ý với điều này.
Sau sự kiện trên, hiệu ứng domino được cho là sẽ nhanh chóng diễn ra trên toàn thế giới. Trong vài tuần nữa, giới quan sát tin chắc Apple sẽ yêu cầu tòa ra lệnh cấm bán những sản phẩm bị cáo buộc đang có mặt tại thị trường Mỹ. Galaxy S II vẫn được bán ở các nước khác, nhưng với chiến thắng lớn này, Apple dễ thuyết phục tòa án tại các quốc gia khác đưa ra phán quyết tương tự hơn.
Về lâu dài, con số 1 tỷ USD đủ làm cho các nhà sản xuất Android cảm thấy "nhột" và cố gắng thay đổi kiểu dáng, tính năng và giao diện sản phẩm sao cho ít "dính dáng" đến Apple càng nhiều càng tốt.
Giới phân tích nhìn thấy thái độ dứt khoát của Apple không hề kìm hãm sự cạnh tranh, mà là động lực khiến cho các đối thủ sáng tạo. "Hãy nhìn các smartphone gần đây như Galaxy S III, chúng có thiết kế khác hẳn iPhone. Những sự khác biệt như thế sẽ tốt cho khách hàng", trang The Verge nhận xét.
20/9 là ngày diễn ra phiên tòa tiếp theo giữa Apple và Samsung
Đây là phiên tòa xem xét việc các sản phẩm vi phạm bản quyền của Samsung có bị cấm phân phối tại Mỹ hay không. Theo kế hoạch, nếu muốn thực hiện điều đó, Apple phải nộp đơn đề nghị vào ngày 29/8. Samsung sẽ trả lời trong vòng 2 tuần tiếp theo và đến ngày 20/9, Apple và Samsung sẽ tranh tụng tại tòa. Thẩm phán Jucy Koh cho hay bà muốn dành thời gian "tối đa" cho Samsung chuẩn bị hồ sơ.
Samsung: 'Vụ kiện là một sự thiệt thòi cho người tiêu dùng Mỹ'
Ngay sau phán quyết của tòa, Samsung đã đưa ra nhận định: "Hôm nay là ngày chiến thắng của Apple, nhưng là sự thua thiệt với người sử dụng Mỹ. Họ sẽ có ít lựa chọn hơn và nhất là giá bán sản phẩm có thể cao hơn. Đáng tiếc, luật bản quyền có thể khiến một công ty độc quyền thiết kế chữ nhật bo góc, hay độc quyền công nghệ đã được cải tiến, hoàn thiện hơn mỗi ngày nhờ Samsung và các công ty khác. Khách hàng có quyền lựa chọn và họ hiểu rõ những gì họ mua. Đây chưa phải lời cuối cùng và cuộc chiến đã, đang và sẽ còn diễn ra trên khắp thế giới. Đã có những nơi phủ nhận tuyên bố của Apple. Samsung sẽ tiếp tục đổi mới để mang đến nhiều lựa chọn cho khách hàng.
Apple: 'Vụ kiện là một bài học cho hành động ăn cắp'
Sau khi Samsung phản ứng về phán quyết, Apple cũng đưa ra tuyên bố trên The New York Times: "Chúng tôi hài lòng vì tòa án đã dành thời gian lắng nghe câu chuyện của chúng tôi. Cả núi bằng chứng được đưa ra cho thấy hành động sao chép của Samsung đã vượt xa những gì chúng ta từng biết. Phiên tòa không chỉ là về bản quyền hay tiền bạc. Nó là về những giá trị - giá trị của phát minh và việc làm ra những sản phẩm tốt nhất. Chúng tôi tạo sản phẩm để phục vụ khách hàng chứ không phải để cho các đối thủ sao chép. Đây sẽ là thông điệp rõ ràng cho các hành vi copy.
Lucy Koh - người quyết định "vận mệnh" của Apple và Samsung
Jucy Koh. |
Lucy Koh hiện mới 43 tuổi và khá trẻ để đảm nhiệm vai trò thẩm phán cấp quận. Không ít người đã lo ngại bà thiên vị Samsung vì Koh là người Mỹ gốc Hàn đầu tiên được nhậm chức thẩm phán liên bang. Bên cạnh đó, trước khi trở thành thẩm phán, bà từng chuyên đi tranh tụng trong các vụ kiện bản quyền. Đặc biệt, năm 2006, Koh là một trong những thành viên của đoàn luật sư đại diện cho công ty Creative Technology trong vụ kiện với Apple. Apple sau đó đã thua kiện và phải bồi thường cho Creative khoảng 100 triệu USD.
Theo Vnexpress