Tại Trung Quốc, Hàn Quốc hay một số nước Ả-rập, tự do Internet được xem là những thứ xa xỉ. >> Tại sao dân mạng lại hung hăng? >...
Tại Trung Quốc, Hàn Quốc hay một số nước Ả-rập, tự do Internet được xem là những thứ xa xỉ.
Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất
Là một quốc gia hồi giáo, Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) xây dựng một hệ thống tường lửa chặt chẽ, chặn hoàn toàn các trang web có nội dung liên quan đến sex, các phòng chat, trang web hẹn hò và các dịch vụ VoIP (thoại trực tuyến) như Skype. Nếu một người dùng cố tình truy cập những nội dung cấm, họ có thể bị chặn truy cập vĩnh viễn. Ngay cả những trang như Wikipedia cũng bị chặn tại đất nước này.
Jordan
Vào năm 2010, chính phủ Jordan tiến hành chặn 49 trang tin địa phương tại tất cả những nơi làm việc công cộng, vì họ cho rằng lướt web là một việc làm phí phạm thời gian và tiền bạc. Các trang về quyền của người lao động cũng bị cấm hoàn toàn. Cùng với đó, máy chủ tại các quán café Internet tại nước này đều được cài đặt phần mềm chặn các trang về cờ bạc, sử dụng thuốc lá và ma túy, những trang về tôn giáo và cả vấn đề giới tính.
Hàn Quốc
Nếu như tại nhiều nước khác, người dùng Internet được quyền xem và bình luận các nội dung trên mạng dưới nhiều nickname khác nhau thì tại Hàn Quốc, người dùng phải cung cấp tên thật trên tất cả các nội dung bình luận, entry trên mạng. Google cho đó là luật lệ ngớ ngẩn, nhưng cũng buộc phải chặn tính năng upload và bình luận trên dịch vụ YouTube bản tiếng Hàn.
Cuba
Cuba cấm toàn bộ các dịch vụ Internet cá nhân, thay vào đó chính phủ quản lý hoàn toàn quyền truy cập của người dân. Chính phủ nước này cũng giám sát các địa chỉ IP, các bộ lọc từ khóa và thu thập lịch sử duyệt web của người dùng. Bất cứ ai bị bắt gặp sử dụng dịch vụ Internet cá nhân sẽ phải lĩnh án tù 5 năm, còn những người đăng tải một bài báo có nội dung "chống cách mạng" có thể bị tù 20 năm.
Ấn Độ
Vào năm 2006, Ấn Độ tiến hành giám sát toàn bộ lưu lượng Internet truy cập trong và ngoài đất nước. Cho đến năm 2008, họ tiếp tục ban hành luật CNTT cho phép chính phủ can thiệp sâu hơn vào các hoạt động Internet, đưa ra các quy định ngặt nghèo cho các trang web giới tính trên mạng.
Nếu bạn bị phát hiện truy cập vào một trang web “đen” tại Ấn Độ, bạn có thể phải đối diện án phạt 5 năm tù và khoản tiền phạt lên đến 22.000 USD. Trong khi đó, nếu bị phát hiện gửi thư rác, án phạt tù dành cho người dùng cũng sẽ lên đến 2 năm.
Myanmar
Myanmar là một trong những nước hiếm hoi hạn chế tốc độ Internet trong phạm vi lãnh thổ nước mình. Tốc độ đường truyền Internet tại đất nước có diện tích lớn thứ 2 Đông Nam Á được giữ ở mức siêu chậm. Bộ viễn thông nước này cũng đưa ra lệnh cấm hàng loạt các trang web về giới tính, quan điểm chính trị, nhân quyền và dân chủ. Hình phạt dành cho những người vi phạm tối thiểu là 15 năm tù.
Ma-rốc
Về cơ bản, Ma-rốc chưa có một đạo luật cụ thể về Internet. Họ chỉ tiến hành chặn một số trang web. Những trang blog như WordPress hay Tumblr, các trang web về chính trị, Google Earth, YouTube đều có tên trong danh sách bị chặn ở Ma-rốc.
Afghanistan
Với tốc độ mạng hạn chế và những quy định tôn giáo ngặt nghèo, chỉ có hơn 1% người dân Afghanistan truy cập Internet. Bên cạnh việc hạn chế các trang web hẹn hò, mạng xã hội (Facebook, Twitter, GMail, Match.com), nước này còn cấm cả trang web về cờ bạc, sex, các trang liên quan đến rượu bia, website về quyền của phụ nữ và những gì trái với truyền thống của người Afghanistan.
Trung Quốc
Với 60 quy định liên quan đến Internet, Trung Quốc được xem là một trong những nước ngặt nghèo nhất đối với người dùng Internet. Hệ thống tường lửa của nước này cho phép chặn toàn bộ những trang web thuộc dạng “tự do” (như Google và Facebook). Trang blog của Microsoft tại Trung Quốc còn chặn cả từ khóa “dân chủ” trên các chủ đề blog. Tại Trung Quốc, các quán café Internet đều sẽ ghi lại toàn bộ lịch sử trò chuyện, các trò chơi trên mạng và email của người dùng.
Iran
Kể từ năm 2008 đến nay, Iran đã chặn hơn 5 triệu website mà họ cho là không phù hợp với thuần phong mĩ tục của đất nước, bao gồm cả Facebook và YouTube. Trước khi cho phép bất cứ nhà mạng nào hoạt động, chính phủ Iran yêu cầu họ phải cam kết bằng văn bản, hứa hẹn họ sẽ không truy cập các trang web “phi hồi giáo”. Tốc độ tải về tại các hộ gia đình được giới hạn ở mức tối đa là 128 kb/giây, trong khi con số này tại các cơ quan và công ty thương mại là 2 Mb/giây.
Theo Thành Duy, Infonet.vn