Hệ thống giám sát máy bay mới mà Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đang phát triển bị nghi ngờ không an toàn và có thể bị hacker tấn công. T...
Hệ thống giám sát máy bay mới mà Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đang phát triển bị nghi ngờ không an toàn và có thể bị hacker tấn công. Tuy nhiên, FAA bác bỏ những nghi vấn này.
Hệ thống cũ đã lạc hậu
Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đang trong quá trình nâng cấp hệ thống điều khiển hàng không quốc gia với vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD. Hệ thống mới tên là NextGen có khả năng tự động hóa cao. Thay vì sử dụng radar như các hệ thống cũ, NextGen dùng công nghệ GPS để xác định vị trí máy bay. Với NextGen, các đơn vị điều khiển hàng không có thể giám sát được nhiều máy bay trên bầu trời hơn. Tuy nhiên, một số chuyên gia bảo mật máy tính lo ngại rằng nền tảng của NextGen không an toàn và có thể bị hacker tấn công.
Hiện tại, tất cả các hệ thống giám sát hàng không của Mỹ đều hoạt động dựa trên radar. Đầu tháng 8/2012, phóng viên Steve Henn của hãng thông tấn NPR (Mỹ) đã tham gia một chuyến bay cùng với Mike Eynon - một phi công, đồng thời cũng là chuyên gia nghiên cứu bảo mật máy tính. Vì máy bay của Eynon không trang bị hệ thống NextGen, họ vẫn sử dụng Radar.
Theo quy trình, trạm giám sát hàng không sẽ phát tín hiệu tới máy bay của Eynon. Sau đó, một bộ phát đáp tích hợp trên máy bay sẽ thông báo về trạm giám sát tên phi công và vị trí của máy bay.
Hệ thống “gọi - trả lời” nói trên đã tồn tại nhiều thập kỷ nay. Tuy nhiên, nó hoạt động với tốc độ chậm và không chính xác bằng GPS. Hơn nữa, các đài radar chiếm rất nhiều diện tích mặt bằng và tốn nhiều tiền để bảo dưỡng. Trong một số trường hợp, phi công có thể tắt bộ phát đáp trên máy bay, cản trở việc liên lạc với mặt đất.
Nền tảng của hệ thống mới dùng công nghệ ADS-B, trong đó hệ thống điện tử của máy bay tự động phát ra các dữ liệu về vị trí, độ cao, vận tốc và các dữ liệu khác của máy bay. Về cơ bản, máy bay sẽ được trang bị GPS và liên tục phát ra các thông tin nói trên. Cục Hàng không Liên bang Mỹ sẽ dần dần triển khai NextGen trong 8 năm tiếp theo. Tới năm 2020, chỉ những máy bay sử dụng ADS-B mới được bay vào các không phận đông đúc của Mỹ.
Lo ngại hệ thống mới bị hacker tấn công
Hiện nay, ADS-B đã bắt đầu thu hút sự chú ý của hacker. Theo giải thích của chuyên gia bảo mật Brad Haines, các tín hiệu ADS-B rất giống mã máy tính, nhưng lại không hề được mã hóa. Về mặt công nghệ, đây là một vấn đề nghiêm trọng. Ông Haines sớm phát hiện ra mình có thể tạo ra các tín hiệu ADS-B giả, hay nói cách khác là những chiếc máy bay “ma” trên bầu trời.
Ông Haines lấy ví dụ, hacker có thể tạo ra tín hiệu về 50 chuyến bay giả trên màn hình của đài điều khiển hàng không. Theo ông, việc này không gây ra những sự cố như máy bay thật bị rơi, nhưng quá nhiều máy bay “ma” có thể khiến sân bay phải đóng cửa vì báo động quá tải.
Năm ngoái, Force Maj. Donald L. McCallie, chuyên gia nghiên cứu chiến tranh ảo tại Viện Công nghệ Không quân Mỹ cũng có báo cáo về các cuộc tấn công tương tự. Ông kết luận rằng hệ thống mới có thế gặp nguy hiểm.
Tuy nhiên, đại diện FAA đã bác bỏ những ý kiến cho rằng hệ thống giám sát hàng không mới không an toàn. Một phát ngôn viên của FAA cho biết, các mục tiêu ADS-B giả sẽ bị lọc khỏi màn hình của trạm điều khiển hàng không. “Kế hoạch hàng động bảo mật của FAA đã xác định và giảm thiểu những nguy cơ, theo dõi sự tiến bộ của việc khắc phục”, phát ngôn viên này nói.
Ngoài ra, các quan chức FAA nói rằng trong quá trình triển khai NextGen, họ chưa bao giờ ghi nhận một máy bay nào là giả mạo trên bầu trời nước Mỹ. Họ nói rằng ngay cả khi hacker tạo ra một máy bay “ma”, sẽ có các hệ thống tự động phát hiện và loại bỏ các tín hiệu giả trước khi nó xuất hiện trên màn hình của trạm kiểm soát.
Phạm Duyên
(Theo NPR)