Google thông báo sẽ tiến hành “trừng phạt” các trang web bị tình nghi chứa đựng nội dung xâm phạm bản quyền bằng cách hạ thấp xếp hạng của n...
Google thông báo sẽ tiến hành “trừng phạt” các trang web bị tình nghi chứa đựng nội dung xâm phạm bản quyền bằng cách hạ thấp xếp hạng của những trang này trong danh sách kết quả tìm kiếm.
Theo Amit Singhal, một quan chức cấp cao trong ban lãnh đạo Google, trong ít ngày tới công ty sẽ tiến hành việc đánh giảm thứ hạng các trang web chứa đựng nội dung vi phạm bản quyền trong danh sách kết quả tìm kiếm.
Động thái này đến đúng lúc Google đang nỗ lực trở thành một đơn vị bán lẻ kiêm nhà phân phối các nội dung âm nhạc và video chuyên nghiệp thông qua các dịch vụ trực tuyến của hãng, như trang chia sẻ video Youtube, cửa hàng trực tuyến Google Play cho đến dịch vụ truyền hình theo yêu cầu đang được thử nghiệm tại thành phố Kansas (Mỹ), vốn sử dụng hợp đồng chia sẻ nội dung từ những nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp địa phương.
Những tham vọng trong lĩnh vực truyền thông và giải trí trên đây của Google là một phần trong chiến lược cạnh tranh với Apple, Amazon và những doanh nghiệp khác trên thị trường.
Chủ tịch kiêm CEO Cary Sherman của Hiệp hội công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ (RIAA) khen ngợi động thái của Google là “một bước tiến quan trọng và đúng hướng, điều mà thành viên hiệp hội đã luôn thúc giục Google thực hiện từ lâu…”. Trong khi đó, Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ - đại diện của nhiều hãng phim lớn cũng ra một thông cáo báo chí, cho biết tổ chức này “sẽ quan sát chính sách mới của Google một cách thận trọng”.
Google từ lâu đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích từ phía các doanh nghiệp và hội đoàn nắm giữ và kinh doanh các nội dung giải trí có bản quyền như phim ảnh, âm nhạc, trò chơi điện tử… do người dùng Google có thể dễ dàng truy cập vào những dịch vụ chia sẻ dữ liệu ngang hàng (torrent) như The Pirate Bay, Demonoid, Isohunt… để tải về các nội dung bị sao chép trái phép.
Google cũng cho biết những trang web chia sẻ nội dung lậu sẽ không biến mất hoàn toàn khỏi trang kết quả tìm kiếm, mà đơn giản chỉ bị xếp hạng thấp đi. Nếu một cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu xóa bỏ một trang web, họ vẫn phải thực hiện một yêu cầu xin gỡ bỏ đối tượng dựa theo hệ thống chống xâm phạm bản quyền sẵn có của Google, và bản thân trang web bị “tố cáo” vẫn sở hữu quyền lợi kháng án để chống lại bất cứ lời buộc tội nào.
“Chỉ những chủ sở hữu trực tiếp bản quyền mới biết được nội dung nào được bảo hộ và ngược lại, và chỉ có tòa án mới đủ thẩm quyền để xác định nội dung nào đã bị vi phạm bản quyền, Google không thể xác định khi nào thì một trang web có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay là không.” - Google đáp trả những cáo buộc công ty đã “thiên vị” những công ty lớn.
Theo TTO/Wsj