Sáng mai, vệ tinh F-1 của Phòng nghiên cứu không gian FSpace, Đại học FPT sẽ bay vào vũ trụ nhờ tên lửa đẩy Nhật Bản. >> Trẻ em sinh ...
Sáng mai, vệ tinh F-1 của Phòng nghiên cứu không gian FSpace, Đại học FPT sẽ bay vào vũ trụ nhờ tên lửa đẩy Nhật Bản.
Các vệ tinh tập trung ở Trung tâm vũ trụ Tsukuba và lắp trong ống phóng J-SSOD. F-1 cùng bốn vệ tinh khác bắt đầu phóng lên lúc 9 giờ 6 phút giờ Hà Nội (sớm hơn dự kiến ban đầu là 9 giờ 18 phút), bằng tên lửa bằng HII-B, tại bãi phóng Tanegashima của Cơ quan nghiên cứu và phát triển Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA).
Vệ tinh của FPT có hình dáng một khối lập phương cạnh 10 cm và nặng 1 kg, do nhóm FSpace bắt tay vào nghiên cứu và chế tạo từ cuối năm 2008, với mục tiêu là phải "sống" được trong không gian và phát tín hiệu về trạm điều khiển trái đất, chụp được ảnh độ phân giải thấp (640 x 480 pixel) của trái đất và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh đạt 1.200 bit/giây.
Lắp đặt các vệ tinh trên tàu vận tải HTV-3.
Các vệ tinh sẽ được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy HII-B.
Tàu HTV-3 ghép nối với trạm ISS.
Theo ông Vũ Trọng Thư, Trưởng phòng nghiên cứu FSpace, 6 ngày sau khi phóng thành công, tàu vận tải HTV-3 sẽ gắn kết với ISS, lúc này các phi hành gia trong tàu sẽ vận chuyển thức ăn và vật dụng tiếp tế cho ISS.
Chuyển F-1 ra khoang điều áp của module KIBO.
F-1 chuyển ra khoang điều áp (airlock) của module Kibo. Sau đó, phi hành gia người Nhật Akihiko Hoshide điều khiển cánh tay robot của module Kibo nắm lấy ống phóng có chứa 5 vệ tinh đưa ra bên ngoài, hướng xuống phía mặt đất.
Cánh tay máy thả vệ tinh ra ngoài không gian. Ông Vũ Trọng Thư cho biết, các vệ tinh nhỏ sẽ được thả rời khỏi trạm ISS với vận tốc khoảng 5 cm/s, theo hướng 45 độ so với phương thẳng đứng và ngược với chiều chuyển động của trạm ISS. Việc làm này để đảm bảo các vệ tinh nhỏ sẽ có quỹ đạo thấp hơn và không đâm trở lại trạm ISS trong những vòng quay sau đó.
Thời gian sống của vệ tinh nhỏ trong vụ vũ trụ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu phụ thuộc vào độ cao quỹ đạo của trạm ISS lúc thả. Nếu thả vệ tinh ở độ cao 400 km thì thời gian sống trong quỹ đạo khoảng 250 ngày, nếu độ cao 350 km là khoảng 100 ngày.
F-1 bắt đầu hoạt động và phát tín hiệu. Khi F-1 được thả ra ngoài không gian, vệ tinh sẽ bay vòng quanh trái đất trên quỹ đạo tương tự như của trạm ISS, nghiêng 51,6 độ so với mặt phẳng xích đạo, với chu kì 92 phút/vòng.
Từ trạm điều khiển mặt đất đặt tại Hà Nội, nhóm FSpace sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình “sức khỏe” của F-1, đưa ra các lệnh điều khiển, chẳng hạn như nếu muốn nó chụp hay thu thập dữ liệu về từ trường, nhiệt độ nào đó.
Theo VnExpress