Có quá nhiều quảng cáo hay thông tin không được cập nhật là lí do khiến nhiều người dùng Internet Mỹ nghi ngờ về dữ liệu Internet. >> ...
Có quá nhiều quảng cáo hay thông tin không được cập nhật là lí do khiến nhiều người dùng Internet Mỹ nghi ngờ về dữ liệu Internet.
Theo nghiên cứu mới nhất của công ty nghiên cứu Harris Interactive, có tới 98% người Mỹ tham gia phỏng vấn không tin tưởng các thông tin trên Internet. Khảo sát được thực hiện với 1.900 người khắp nước Mỹ và do hãng dịch vụ giải đáp kinh doanh Mancx tài trợ.
ảnh minh họa |
Có 4 nguyên nhân chính khiến người Mỹ hoài nghi Internet: 59% lo ngại vì có quá nhiều quảng cáo, 56% lo lắng vì các thông tin lỗi thời, 53% tin rằng thông tin họ đang đọc được là tự thổi phồng, trong khi 45% thận trọng với các diễn đàn trực tuyến kém tiếng.
Nghiên cứu cũng chỉ ra 94% người tham gia khảo sát tin rằng “những điều tồi tệ có thể xảy ra khi hành động dựa vào thông tin trên mạng không chính xác”. Hai mối lo phổ biến nhất là lãng phí thời gian và bị dính virus.
Tỉ lệ 98% dù khá cao nhưng không phải điều hoàn toàn gây bất ngờ, nhất là khi chúng ta xét tới các thói quen trêng mạng xã hội. Hồi tháng 5/2012, tổ chức vì người tiêu dùng Consumer Reports phát hành báo cáo, cho thấy cứ 4 người dùng Facebook thì có 1 người nói dối trên trang cá nhân. Điểm thú vị là họ làm điều này không phải để “nổ” và trở nên nổi tiếng hơn mà muốn “bảo vệ danh tính” của mình.
Tuy vậy, không phải thông tin Internet nào cũng sai sự thật. Dữ liệu từ Phòng thí nghiệm truyền thông xã hội Cornell chỉ ra các trang mạng doanh nghiệp như LinkedIn thường chứa nhiều đơn xin việc trung thực hơn bản thư xin việc truyền thống. Vì các nhà tuyển dụng có thể kiểm chứng thông tin dễ dàng trên trang xin việc công khai, các nhà nghiên cứu tin rằng mọi người sẽ ít có cơ hội phóng đại bản thân.
Theo ICTNews