Ông Phạm Ngọc Lãng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hanoi Telecom cho biết đang soạn thảo thư gửi lên Bộ TT&TT và Thủ tướng Chính phủ bởi Vie...
Ông Phạm Ngọc Lãng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hanoi Telecom cho biết đang soạn thảo thư gửi lên Bộ TT&TT và Thủ tướng Chính phủ bởi Vietnamobile đang ở tình cảnh quá khó khăn trên một “sân chơi” chưa công bằng.
>> Nghề lập trình viên sự lựa chọn đúng hay sai???.>> Người dùng sẽ hưởng lợi khi quy hoạch hài hòa tần số.
>> Viettel muốn đưa Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới.
>> Nhiều công ty phải đóng cửa bán hàng online thời suy thoái.
Vietnamobile đang trong thời kỳ khó khăn nhất. Ảnh: internet |
Viết thư trình Bộ TT&TT và Chính phủ kêu cứu
Ông Phạm Ngọc Lãng cho biết, Hanoi Telecom và đối tác Hutchison đã rất quyết tâm tiến vào thị trường di động Việt Nam trong suốt thời gian qua. Thế nhưng, một sân chơi chưa công bằng đã khiến Vietnamobile ở cảnh vô cùng khó khăn. Ông Lãng đưa ra dẫn chứng, hiện nay mọi nguồn lực đều dồn cho các doanh nghiệp viễn thông lớn của Nhà nước. Chẳng hạn như tần số có doanh nghiệp được cấp gấp nhiều lần Hanoi Telecom. Đây là thiệt thòi rất lớn đối với các doanh nghiệp như Hanoi Telecom. Nhiều chính sách dường như vẫn bảo hộ doanh nghiệp lớn của Nhà nước. Thêm vào đó, chính sách cước kết nối giữa các mạng di động nhỏ như Vietnamobile và các mạng di động lớn như Viettel, MobiFone và VinaPhone không thật sự thúc đẩy mạng nhỏ. Trong khi trên thế giới thông thường chênh lệch mức cước kết nối giữa mạng lớn và mạng nhỏ là khoảng 35%. Trong khi đó, ở Việt Nam cũng có mức cước chênh lệch giữa mạng di động lớn và nhỏ, nhưng không đáng kể. Hiện Hanoi Telecom đang phải thuê cột điện treo cáp với mức phí mới “cắt cổ” - gấp 7 – 8 lần so với mức giá cũ. Trong khi đó, vì cảnh quan đô thị của đất nước nên các doanh nghiệp như Hanoi Telecom cũng không thể trồng cột treo cáp được. Gần đây, các nhà mạng lớn bắt đầu tăng giá cho thuê nhà trạm lên 300%. Giá thuê kênh mà Hanoi Telecom phải trả cho các doanh nghiệp truyền dẫn cũng tăng 269% so với trước đây.
“Chúng tôi đã đầu tư cả tỷ USD vào xây dựng mạng di động ở Việt Nam. Thế nhưng giờ đây chúng tôi thấy khó quá vì phải chơi trên một sân chơi chưa công bằng. Cứ như thế này chúng tôi không thể tồn tại được nữa. Chúng tôi đang soạn thảo thư gửi lên Bộ TT&TT và Thủ tướng để kêu về vấn đề này”, ông Lãng nghẹn ngào nói.
Trong lần họp với Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng mới đây, bà Trịnh Minh Châu, Tổng giám đốc Hanoi Telecom cũng đã trình bày hoàn cảnh đầy bi lụy của các mạng nhỏ trong bối cảnh quá khó khăn và khó tồn tại. "Thời gian vừa qua, doanh nghiệp viễn thông ào ào xin giấy phép. Sau đó cạnh tranh rồi có anh chết, có anh ngắc ngoải. Các nhà đầu tư nước ngoài sợ thị trường viễn thông Việt Nam", bà Trịnh Minh Châu nói.
Vì sao Hutchison không thể “tẩu vi thượng sách”?
Câu chuyện Hanoi Telecom viết đơn kêu cứu dường như là việc làm "cực chẳng đã" bởi họ và đối tác Hutchison như "ngồi trên đống lửa". Nếu so với các nhà đầu tư nước ngoài, Hutchison đã đầu tư số tiền quá lớn vào mạng Vietnamobile với con số lên cả tỷ USD. Số tiền đầu tư quá lớn khiến nhà đầu tư ở thế "đâm lao thì phải theo lao". Trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển nhượng cổ phần trong mạng di động khi đã đầu tư cả tỷ USD gần như là "nhiệm vụ bất khả thi". Tình thế này, dường như đã đặt Hutchison vào cuộc chơi sát ván trên thị trường di động Việt Nam. Thế nhưng, thị trường viễn thông lại đang cạnh tranh quá mức khiến cả mạng lớn và mạng nhỏ đều "đau khổ". Trong cuộc họp mới đây với Bộ TT&TT, đại diện MobiFone cũng đã lên tiếng rằng thị trường di động đang cạnh tranh quá mức khiến doanh nghiệp không phát triển được. Khi không có lợi nhuận thì doanh nghiệp cũng chẳng thể có nguồn lực để tái đầu tư. Lãnh đạo một mạng di động cho rằng thị trường di động Việt Nam đã cạnh tranh bằng cả những hình thức "phi kinh tế". Nhiều mạng di động cho rằng nếu cơ quan quản lý không siết chặt quản lý thì thị trường viễn thông Việt Nam có nguy cơ đổ vỡ.
Khác với nhà đầu tư Hutchison, Vimpelcom mới đây đã "cắn răng" lựa chọn kế "tẩu vi thượng sách" cho việc đầu tư của mình vào mạng Beeline Việt Nam. Đây là động thái được cho là cắt lỗ bởi những chiêu thức cạnh tranh đã được ào ạt tung ra nhưng không có tác dụng. Trước khi rút khỏi Việt Nam, Vimpelcom đã có phép thử với gói cước Tỷ phú. Thế nhưng sự khắc nghiệt của thị trường Việt Nam có lẽ đã khiến những nhà lãnh đạo Vimpelcom không có chỗ đứng tại Việt Nam.
Trước đó, các chuyên gia cho rằng, một thị trường như Việt Nam có tới 7 mạng di động là quá nhiều. Các chuyên gia cũng dự đoán sớm muộn việc cạnh tranh sẽ khiến các mạng di động sẽ phải sáp nhập hoặc phá sản. Sau đó, thị trường di động Việt Nam có lẽ sẽ quay lại thế chân vạc để có từ 3 – 4 mạng di động và tiến trình này đang diễn ra. Trong quy hoạch viễn thông Việt Nam mà Bộ TT&TT xây dựng đến năm 2020 sẽ còn bắt buộc phải có ít nhất 3 mạng di động có thị phần tương đồng để đảm bảo cạnh tranh. Như vậy, vai trò điều tiết thị trường để đi "đúng quỹ đạo" đang là vấn đề bức thiết đặt ra hiện nay.
Trong khi những nhà đầu tư nước ngoài gặp khó trên thị trường viễn thông Việt Nam thì rất có thể chính điều này sẽ gây nên hệ lụy cho mạng S-Fone trong việc tìm kiếm đối tác đầu tư. Những nhà đầu tư nước ngoài sẽ cân nhắc để không đi vào "vết xe đổ" của những người đi trước. Cho dù S-Fone đã được Bộ TT&TT cho chuyển sang công nghệ 3G và nhà mạng này cũng chào mời đối tác đầu tư từ 2 năm nay. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào được tiết lộ về việc đối tác đầu tư vào mạng S-Fone. Nhiều người đang tin rằng S-Fone hiện không tồn tại bởi lâu nay họ chẳng thấy ai gọi đến cho mình từ đầu số 095.
Theo BĐVN