Giới hạn thời lượng, nâng giá và gia tăng điều kiện chương trình gọi nội mạng miễn phí là một cách bảo toàn lợi nhuận của các hãng viễn thôn...
Giới hạn thời lượng, nâng giá và gia tăng điều kiện chương trình gọi nội mạng miễn phí là một cách bảo toàn lợi nhuận của các hãng viễn thông di động khi chi phí đầu vào biến động, thị trường dần bão hòa, doanh thu giảm.
>> Hành trình của Beeline tại Việt Nam.>> Đầu số di động 09x có thể lại được kéo dài.
>> Mạng 4G bất ngờ xuất hiện trên iPhone 4S.
>> 78% website cơ quan Nhà nước có nguy cơ bị “đánh sập”.
Là khách hàng của chương trình gọi nội mạng VNPT dưới 10 phút miễn phí, chị Nguyễn Thanh Hà (Lương Yên, Hà Nội) phàn nàn giá dịch vụ đang tăng quá nhanh. Phí sử dụng dịch vụ hiện lên đến 178.000 đồng mỗi tháng trong khi trước đó chị chỉ mất 78.000 đồng.
"Một lần đăng ký thường chỉ được hưởng khuyến mãi từ 6 tháng đến một năm gọi miễn phí trong các mạng của VNPT. Vừa rồi, tôi đi hòa mạng mới, thấy bất ngờ khi giá tăng hơn hai lần, lại còn bị giới hạn trong 1.500 phút mỗi tháng", chị Hà nói.
Khuyến mãi gọi nội mạng dưới 10 phút miễn phí của các doanh nghiệp viễn thông tăng giá khiến thuê bao lo lắng . Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Thừa nhận giá như trên vẫn rẻ hơn nhiều so với cước gọi thông thường song chị Hà ngạc nhiên vì chính sách ưu đãi ngược của nhà mạng. Theo chị, lẽ ra thời khủng hoảng, các doanh nghiệp cần hạ giá để khuyến khích nhu cầu sử dụng của khách hàng thì họ lại siết khuyến mãi.
Tương tự, các chương trình miễn phí gọi 10 phút nội mạng của từng hãng cũng tăng giá trong 2 năm trở lại đây. Cụ thể, ưu đãi này của MobiFone tăng từ 54.000 đồng lên 75.000 đồng, dịch vụ của Viettel nâng từ 80.000 đồng lên 110.000 đồng. Số tiền trên là khoản chi phí tối thiểu mà thuê bao thanh toán trong một tháng. Ngoài ra, khách hàng phải trả cước thoại liên mạng, thuế VAT và dịch vụ giá trị gia tăng...
Anh Đỗ Sơn Tùng (Mai Động, Hà Nội) lo ngại sau thời gian đua hạ cước, các nhà mạng sẽ không còn quan tâm, chăm sóc người tiêu dùng như trước. Lý do để anh lo lắng là 2 năm nay giá thoại, tin nhắn không giảm, trong khi các chương trình ưu đãi trả sau đều kén khách hơn, cước dịch vụ liên tục tăng. Khuyến mãi thẻ cào dành cho thuê bao trả trước cũng giảm giá trị và thưa dần.
Thậm chí anh Tùng lo tới viễn cảnh các đại gia di động theo nhau tăng giá, khi các hãng viễn thông tiểu gia gặp khó khăn và nguy cơ rời bỏ thị trường. Nếu điều này xảy ra, người tiêu dùng như anh chỉ biết chấp nhận mà khó có sự lựa chọn thay thế.
"Nếu giá cước cứ đà tăng như hiện nay thì khuyến mãi không còn giá trị nhiều, trong khi chúng tôi là thuê bao trả sau, gắn bó lâu dài với nhà mạng, không đáng bị cắt giảm ưu đãi như vậy", anh Tùng nói.
Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo của MobiFone cho biết, những thay đổi chính sách như trên không phải là tăng giá cước mà chỉ là siết khuyến mãi. Nguyên nhân xuất phát từ vấn đề doanh thu. Bởi khi lượng thuê bao gần như bão hòa, nhà mạng không thể phát triển thêm được nhiều khách hàng thì giá dịch vụ giá trị gia tăng phải điều chỉnh mới đảm bảo cân bằng thu chi.
Trong khi đó đại diện Viettel cho hay, chi phí để chăm sóc và duy trì thuê bao trả sau lớn hơn nhiều so với thuê bao trả trước. Do đó, các doanh nghiệp viễn thông phải cân đối để vừa đảm bảo doanh thu, vừa giữ chân và thu hút được khách hàng. "Mức phí tham gia các chương trình khuyến mại dựa trên tính toán để phát triển thuê bao thực nhưng vẫn đảm bảo lợi ích cho người dùng", vị này khẳng định.
Tiến sĩ Vũ Anh Dũng, chuyên gia có kinh nghiệm nhiều năm về lĩnh vực marketing, cho rằng trong bối cảnh khủng hoảng, chi phí đầu vào tăng cao, doanh nghiệp khó tránh chuyện tăng giá bán sản phẩm, dịch vụ.
"Giữ nguyên giá bán nhưng giảm trọng lượng, số lượng hoặc giảm ưu đãi, khuyến mại là cách đỡ gây sốc cho khách hàng, vì vậy nhiều doanh nghiệp chọn cách làm này", ông Dũng chia sẻ.
Xuân Ngọc - Vnexpress